Hà Nội kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ |
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 334/KH-UBND về khắc phục các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm liên quan đến "Diện tích nhà ở bình quân năm 2021 chưa đạt được chỉ tiêu; nhiều dự án phát triển nhà ở, khu đô thị chậm tiến độ" giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.
Theo kế hoạch, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, thời gian tới, TP sẽ tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị theo kế hoạch, trong đó, tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022 để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở theo quy hoạch và dự án được duyệt khớp nối đồng bộ với hạ tầng khu vực. Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định; đồng thời, công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn TP.
Trong năm 2023, TP sẽ cân đối bố trí đủ vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư sử dụng vốn ngân sách; triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở xã hội cho thuê phục vụ các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp và học sinh, sinh viên.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các cấp độ (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị, Quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị).
Ngoài ra, TP tiếp tục rà soát các quỹ đất 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố. Tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại