Thứ năm 23/01/2025 06:08

Hà Nội mở rộng, cải tạo các tuyến phố dịp cuối năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về kế hoạch sửa chữa, chỉnh trang và tổ chức lại giao thông trên nhiều tuyến đường, phố Hà Nội.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc tháo dỡ, thay thế hàng rào dải phân cách là một phần thuộc dự án sửa chữa hệ thống tổ chức giao thông trên đường.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc tháo dỡ, thay thế hàng rào dải phân cách là một phần thuộc dự án sửa chữa hệ thống tổ chức giao thông trên đường.

Chỉnh trang 80 tuyến phố

Trong ý kiến chỉ đạo về việc trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội nêu rõ, UBND TP phê duyệt danh mục các công trình sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông và danh mục các công trình thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội có sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên từ ngân sách năm 2024.

Theo UBND TP Hà Nội, các công trình sửa chữa này được giao Sở GTVT thực hiện, do vậy Sở GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về danh mục đề xuất nêu trên, đảm bảo phù hợp với kế hoạch và phân cấp, không trùng lặp với các chương trình, dự án khác đã thành phố đã có chủ trương.

Kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa và tổ chức lại giao thông trên các tuyến phố Hà Nội từ nay đến cuối năm được Sở GTVT Hà Nội xây dựng cho biết, trong khu vực các quận nội thành có hơn 80 tuyến thực hiện nội dung này. Tổng mức đầu tư cho việc cải tạo, chỉnh trang 80 tuyến phố là 231 tỷ đồng.

Trong đó: quận Hoàn Kiếm có 37 tuyến phố; Quận Ba Đình có 11 tuyến phố; Quận Đống Đa có 10 tuyến phố; Quận Hai Bà Trưng có 18 tuyến phố; Quận Hoàng Mai có 5 tuyến phố; Quận Thanh Xuân có 4 tuyến phố; Quận Cầu Giấy có 2 tuyến phố;

Ông Lê Hữu Hồng - Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội (đơn vị thực hiện các án duy tu, sửa chữa trên) cho biết, Ban đang đẩy nhanh thực hiện các dự án duy tu, sửa chữa mặt đường, chỉnh trang các tuyến phố xong trước 31/12/2024.

Với các biện pháp thi công, ông Lê Hữu Hồng cho biết, hiện các giấy phép thi công được Sở GTVT cấp cho các các dự án duy tu, sửa chữa đường cũng chỉ làm vào ban đêm và Ban Duy tu cũng đã yêu cầu các nhà thầu thực hiện nghiêm việc này để đảm bảo giao thông.

Trên một số tuyến phố sau khi mặt đường được tôn nền, thảm nhựa đã cao hơn miệng hố ga tiêu, thoát nước, trong đó có phố Đại Từ, Nguyễn Cảnh Dị… lãnh đạo Ban Duy tu cho biết, về nguyên tắc, nắp hố ga cũng phải bằng mặt đường để tạo sự êm thuận, tuy nhiên, do việc nâng miệng và nắp hố ga phải có sự tham gia của đơn vị thoát nước nên công việc này được thực hiện sau so với việc thảm mặt đường.

Tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, sau khi được thảm lại mặt đường, người dân di chuyển thuận tiện hơn.
Tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, sau khi được thảm lại mặt đường, người dân di chuyển thuận tiện hơn.

Điều chỉnh, tổ chức lại giao thông cho phù hợp với tình hình mới

Qua ghi nhận, lòng đường, dải phân cách, vỉa hè trên nhiều tuyến phố đã được quây rào để thực hiện việc chỉnh trang, sửa chữa. Trên tuyến phố Đại Từ, quận Hoàng Mai, đoạn từ Giải Phóng đến phố Nguyễn Cảnh Dị dài hơn 1 km đang được thảm lại mặt đường, hệ thống biển báo giao thông được được thay mới và bổ sung thêm.

Ông Hoàng Văn Hùng, Phó giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, do tuyến phố Đại Từ đang có nền mặt đường thấp hơn lân cận nên mưa xuống hay xảy ra ngập úng, do vậy trong lần chỉnh trang, sửa chữa này các đơn vị thi công đã tôn, láng thêm nền đường, sau đó thảm lại mặt bằng bê tông nhựa, giúp nền đường phố Đại Từ cao thêm cao từ 5-7cm.

Trên tuyến Giải Phóng, toàn bộ tuyến đường dài 4,6 km chạy qua các quận Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai… cũng đang được các đơn vị thi công quây rào sửa chữa nhiều hạng mục. Cụ thể, với mặt đường, dự án thực hiện sữa chữa cục bộ các vị trí mặt đường bị lồi lõm, rạn nứt, cào bóc lớp mặt đường cũ đến cao độ thiết kế, tưới dính bám bằng nhựa pha dầu tiêu chuẩn 0,5 kg/m²...

Tại hệ thống dải phân cách giữa, thực hiện bó vỉa dải phân cách giữa bị hư hỏng; đào bỏ lớp kết cấu cũ, thay thế bằng bó vỉa bê tông xi măng mới. Với hàng rào sắt hiện tại sẽ được bằng hàng rào mới, hàng giao thay thế có quy cách chiều cao 1,3m dài 3m, kết cấu hàng rào bằng thép ống, thép hộp và được mạ kẽm, trên đỉnh dán giấy phản quang.

Ngoài ra, tại các vị trí giao cắt của đường Giải Phóng đoạn qua Bệnh viện Bạch Mai, qua bến xe Giáp Bát và nút giao với phố Trương Định… các đơn vị thi công còn đào móng đổ các trụ cột để treo biển báo giao thông dạng giá long môn hoặc và tay vươn, thay thế cho các cột biển báo hình chữ T hiện nay. Sau khi hoàn thành việc thi công các hạng mục xây lắp, các đơn vị thi công sẽ sơn kẻ lại làn đường, bổ sung thêm biển báo chia làn xe để điều chỉnh, tổ chức lại giao thông trên đường Giải Phóng.

Sau khi hoàn thành việc thi công trong đó có thảm lại mặt đường, bổ sung hệ thống biển báo, vạch kẻ sơn, các tuyến phố chỉnh trang, sửa chữa sẽ được điều chỉnh, tổ chức lại giao thông cho phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu đi lại lớn của người dân vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Sở GTVT TP Hà Nội nhận định, việc cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường sẽ nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tiết kiệm thời gian, kinh phí cho người cho người và phương tiện khi tham gia giao thông cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, tạo nên diện mạo đô thị văn minh hiện đại với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ.

Trước đó, nút giao Chùa Bộc - Thái Hà (Đống Đa) hoàn thành mở rộng giúp giảm tải ùn tắc giao thông tại nút giao này suốt nhiều năm qua. Đây là niềm vui cho người dân sinh sống trên phố Chùa Bộc và những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua đây. Chị Nguyễn Thị Định (36 tuổi, phường Quang Trung, quận Đống Đa) cho biết, phố Chùa Bộc từ Học viện Ngân hàng đến Trường Đại học Công đoàn trước đây gần như không còn vỉa hè, mặt đường nhỏ hẹp, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà hoàn thành, cùng với việc thông xe cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch hồi tháng 6/2023 đã góp phần giảm tải ùn tắc cho phố Chùa Bộc - khu vực chịu nhiều áp lực giao thông trên địa bàn quận Đống Đa.

Ngoài việc sửa chữa, cải tạo nhiều tuyến đường, những tháng cuối năm, vỉa hè một số tuyến phố của Thủ đô cũng được chỉnh trang, cải tạo, thay mới gạch lát nhằm cải thiện diện mạo đô thị, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và chuẩn bị đón tết Nguyên đán 2025.

Theo ghi nhận, trên các tuyến phố như Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy); Lê Trọng Tấn và Nguyễn Thanh Bình (quận Hà Đông) việc chỉnh trang vỉa hè đang diễn ra gấp rút, khẩn trương. Tại tuyến phố Tôn Thất Thuyết (quận Cầu Giấy), đoạn vỉa hè gần Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Việc thi công cũng có phần ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân, nhưng đa phần mọi người đều nhận thấy việc sửa chữa, cải tạo là thiết thực, giúp cho diện mạo đô thị ngày càng sạch đẹp.

UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 4236/UBND-ĐT ngày 16/12/2022 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố. UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát, bị bong bật lún nứt, vỡ... nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng.
Không gian sáng tạo đánh thức tiềm năng di sản kiến trúc
Thêm nhiều vườn hoa được thay “áo mới”
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động