Thứ năm 23/01/2025 14:12

Hà Nội: Tăng bất thường trẻ mắc bệnh đường hô hấp, bác sỹ quá tải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
So với cùng thời điểm mọi năm thì thời gian này, tỉ lệ trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp tại BV Thanh Nhàn nhiều hơn. Có tới 70% số trẻ nhập viện mắc bệnh đường hô hấp. Đáng chú ý có một số trẻ nhiễm virus Adeno.
Hà Nội: Tăng bất thường trẻ mắc bệnh đường hô hấp, bác sỹ quá tải
Có tới 70% số trẻ nhập viện điều trị tại BV Thanh Nhàn trong thời gian này mắc bệnh về đường hô hấp (ảnh: V.H)

BS. Vũ Thị Mai, khoa Nhi-BV Thanh Nhàn (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong vòng 1 tháng gần đây tình trạng trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp tăng nhanh với các bệnh chủ yếu gồm: Viêm phế quản, viêm phổi, trong đó một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno.

Ban ngày có khoảng 150 trẻ đến khám mỗi ngày. Mỗi buổi tối các bác sỹ cũng tiếp nhận trung bình 20-30 trẻ đến khám trong tình trạng cấp cứu do khó thở, khò khè. Trong số đó có khoảng 20-30 trẻ phải nhập viện. Hiện tại khoa 90-120 bệnh nhi viêm đường hô hấp đang điều trị, so với cùng thời điểm mọi năm thì tỉ lệ trẻ viêm đường hô hấp nhập viện nhiều, bất thường.

"Nếu như mọi năm trẻ nhập viện mắc bệnh đường tiêu hoá, hô hấp khoảng 50/50 thì năm nay trẻ mắc các bệnh đường hô hấp chiếm đến 70% trên tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị", BS. Mai nói.

Lượng bệnh nhân nhập viện tăng bất thường khiến việc tiếp nhận điều trị hơi quá tải. Khoa Nhi có 6-7 bác sỹ điều trị, trung bình mỗi bác sỹ theo dõi, điều trị 20 cháu, có ngày cao điểm mỗi bác sỹ điều trị cho gần 30 cháu khiến việc kiểm soát có phần khó khăn. Bệnh viện đã huy động phòng cũng như nhân lực của các khoa khác hỗ trợ khoa Nhi.

Lý giải nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh hô hấp tăng đột biến, BS. Mai cho rằng, do miễn dịch của trẻ kém hơn mọi năm nên tình trạng nhiễm bệnh dai dẳng, bệnh nặng nên lâu khỏi. Có những trường hợp bị tái đi tái lại nhiều lần như trẻ bị viêm tai giữa, điều trị cả tháng.

"Nhiều hội thảo cũng chỉ ra rằng sau nhiễm Covid-19 trẻ bị tổn thương niêm mạc đường hô hấp không hồi phục dẫn đến tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus khác xâm nhập khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Cùng đó, trong 2 năm gần đây số trẻ tiêm phòng cũng chậm, dùng vitamin A cũng không đều, nhiều bé bỏ nên cộng hưởng lại khiến trẻ bị ốm", BS. Mai chia sẻ.

Hà Nội: Tăng bất thường trẻ mắc bệnh đường hô hấp, bác sỹ quá tải
BS. Vũ Thị Mai thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp (ảnh: V.H)

Đáng chú ý, trẻ mắc virus Adeno mọi năm cũng vẫn ghi nhận nhưng năm nay trẻ nhiễm Adeno bị nặng hơn do biến chứng Covid-19 gây tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Hiện có 5 trẻ được chẩn đoán chính xác nhiễm Adeno, còn trẻ không biểu hiện ra ngoài nên không chẩn đoán được.

Trẻ nhiễm Aden virus nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng suy hô hấp, thở máy dẫn đến nhiễm trùng toàn thân, phổi không đảm bảo, mắt ảnh hưởng đến khả năng nhìn...

Vì vậy, cha mẹ cần căn cứ vào các triệu chứng điển hình như: Viêm kết mạc đỏ, chảy mủ, đi ngoài... Những trường hợp này cần theo dõi tình trạng ho, nếu ho nhiều nặng tiếng, khò khèn, thở nhanh có thể đã biểu hiện viêm phổi, viêm phế quản phải đến bệnh viện; Hoặc mắt sưng nề, dính kết mạc cũng phải vào viện.

Ngoài ra, trẻ nhiễm Adeno virus có thể kèm theo là các triệu chứng ho nhiều, chảy mũi, khò khè giống các bệnh hô hấp khác.

Dự đoán Adeno chuẩn bị vào mùa dịch tiếp theo sau cúm. Đề phòng virus Adeno xâm nhập vào đường hô hấp nên cha mẹ cần vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ bởi đây là nơi virus bám thường xuyên; cách ly với những bạn có triệu chứng bệnh truyền nhiễm.

Đối với bệnh đường hô hấp nói chung, cha mẹ cần vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ đúng cách. Bên cạnh đó, tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách ăn đủ vi chất, cân bằng dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, cách ly với các bạn có triệu chứng bệnh truyền nhiễm.

Khi trẻ được chỉ định tại nhà, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi các triệu chứng. Nếu trẻ suy hô hấp, thở nhanh, tím tái, li bì, bỏ bú, nhịp tim nhanh... thì nhập viện. Còn trẻ nhiễm virus thông thường khiến viêm đường hô hấp, ho húng hắng thì theo dõi tại nhà. Cha mẹ không nên quá lo lắng đưa con đến bệnh viện khi không cần thiết, để tránh các bệnh truyền nhiễm khác và tránh quá tải bệnh viện.

Vệ sinh đường hô hấp đúng cách để phòng bệnh cho trẻ

BS. Mai lưu ý, có những thủ thuật vệ sinh đường họng nên thực hiện hằng ngày cho trẻ, trong đó có sử dụng xịt họng. Nếu trẻ đã có triệu chứng mũi chảy màu xanh thì nên rửa mũi hằng ngày cho trẻ bằng nước muối. Nếu không có triệu chứng thì cũng không nên rửa, tránh tình trạng bơm rửa mũi nhiều cho trẻ nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân sang các xoang bên trong như xoang mũi, vào tai giữa.

Nếu cha mẹ nào chưa có kinh nghiệm và không có máy hút thì với vùng mũi chỉ nên hút nếu trẻ có mũi, vùng họng sử dụng dung dịch vệ sinh như muối, muối nước biển sâu, xịt họng có thể xịt 3-4 lần/ngày. Bên cạnh đó, không nên chiều theo ý trẻ là không đánh răng, không vệ sinh họng.

Gia tăng trẻ tại Hà Nội nhập viện do viêm đường hô hấp Gia tăng trẻ tại Hà Nội nhập viện do viêm đường hô hấp

Do thời tiết miền Bắc mưa ẩm đến sớm và kéo dài nên số trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp tại Hà Nội gia ...

Gia tăng đột biến trẻ nhập viện do mắc Adenovirus có thể gây biến chứng nguy hiểm Gia tăng đột biến trẻ nhập viện do mắc Adenovirus có thể gây biến chứng nguy hiểm

Từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương gia tăng đột biến. Chỉ tính ...

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động