Hà Việt Dũng: Gã “sở khanh” màn ảnh ấn tượng đổi chiều diễn xuất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChinh phục đa dạng vai diễn
Không chạnh lòng khi đóng phim hơn mười năm, đảm nhận nhiều vai diễn lớn, nhỏ nhưng tên tuổi Hà Việt Dũng được khán giả nhớ đến vai Lâm “Đồng tiền quỷ ám”, thầy giáo Sơn “Ngược chiều nước mắt”. Thậm chí có khán giả thấy anh quảng cáo phim mới lại quen miệng hỏi “Ông này còn đi lừa tình nữa không? Trước “bão” dư luận, Hà Việt Dũng không chọn cách đối đầu, anh lựa chọn cách tập trung xây dựng tuyến nhân vật đảm nhận đúng với tinh thần kịch bản phim.
Năm 2020, đảm nhận vai Cường - một cán bộ thẩm phán công minh, chính trực trong “Lựa chọn số phận” là vai diễn chính diện đưa tên tuổi Hà Việt Dũng đến gần hơn với khán giả. Vai diễn bước đầu xóa mờ định danh “trai hư” màn ảnh mà khán giả thường gọi tên trước đó. “Thừa thắng xông lên”, Hà Việt Dũng đảm nhận hai vai diễn trái ngược trong bộ phim tâm lý hình sự “Bão ngầm” (đạo diễn Đinh Thái Thụy, kịch bản Đào Trung Hiếu). Sắp tới, anh sẽ đảm nhận vai công chức văn phòng hiền lành, chỉn chu trong phim “Anh có phải đàn ông không?” (đạo diễn Trịnh Lê Phong, biên kịch Lại Phương Thảo) dự kiến sẽ lên sóng tháng 2-2022.
Nếu phim “Bão ngầm”, Hà Việt Dũng đã hoàn tất quá trình quay phim, chờ thời gian phát sóng chính thức thì thời điểm hiện tại, anh đang tất bật trên phim trường trong bộ phim truyền hình “Anh có phải đàn ông không?”. Bộ phim đã bấm máy cách đây được 1 tháng. Dự kiến, lịch phát sóng đầu năm 2022. Đảm nhận nam chính Nhật Minh, chàng công chức văn phòng với vẻ điển trai, thư sinh cùng tạo hình cặp kính cận, Hà Việt Dũng khiến khán giả tấm tắc dành lời khen cho sự trở lại vai diễn “mới toanh” lần này. Điều chú ý với khán giả chính là phim “Anh có phải đàn ông không?” quy tụ bộ ba “soái ca” màn ảnh là Hà Việt Dũng (vai Nhật Minh), Nhan Phúc Vinh (vai Tuấn Khang) và Tuấn Tú (vai Duy Anh).
Có một điều khá trùng hợp là trong phim và ngoài đời cả Hà Việt Dũng và Tuấn Tú đều có cuộc hôn nhân nhiều tiếng cười, khác với chàng trai đào hoa Nhan Phúc Vinh vẫn độc thân. Lần tái ngộ khán giả, Hà Việt Dũng sẽ đóng cặp với nữ chính Việt Hoa. Lần đầu hợp tác, cả hai khá ăn ý trong lối diễn cặp vợ chồng trẻ, có nhiều phân cảnh “dở khóc dở cười” trên phim.
Ngoài tình bạn “tình thân mến thương” của cánh mày râu, bộ phim tái hiện những góc khuất về tình cảm vợ chồng nhân văn và thú vị. Ngay từ khi nhận kịch bản, Hà Việt Dũng vô cùng ấn tượng với lời thoại dí dỏm, rất đời. Đảm nhận vai diễn mang sắc màu đời sống, việc hóa thân vào nhân vật tưởng khó nhưng Hà Việt Dũng cảm thấy khá thoải mái.
Khi được hỏi, kịch bản phim nhiều tiếng cười thì khi lên trường quay có bị tiết giảm không? Hà Việt Dũng thẳng thắn: Cách đạo diễn Trịnh Lê Phong xử lý tinh tế trong từng phân đoạn, khán giả sẽ cảm nhận phân cảnh hài hước, thú vị chứ không phải cố tình “chọc cười” khán giả...
Cặp đôi Hà Việt Dũng và Việt Hoa đóng sẽ nên duyên vợ chồng trong phim “Anh có phải đàn ông không?”. |
Luôn hướng về văn hóa cội nguồn
Ít ai biết, Hà Việt Dũng (SN 1987, quê Hòa Bình) từng trải qua công việc lao công tại Hà Nội trước khi Nam tiến. Xuất hiện liên tục ở các dự án phim truyền hình và điện ảnh, nhưng đối với nhà làm phim và đồng nghiệp đánh giá, Hà Việt Dũng vẫn giữ chất chân thật của người con xứ Mường. Hơn hết là tâm huyết làm nghề, sẵn sàng lăn xả hết mình với nghề diễn.
Những ngày Tết Nguyên đán đang đến rất gần, cũng giống như người con xứ Mường, dù công tác tại TP Hồ Chí Minh nhưng chưa một năm nào Hà Việt Dũng ăn Tết xa gia đình. Theo quan điểm Hà Việt Dũng, ngày Tết là ngày sum họp gia đình, là điều thiêng liêng, trân quý nên dù có vướng lịch quay anh cũng cố gắng sắp xếp để về trước đêm 30 Tết.
Hà Việt Dũng cho biết, Tết người Mường ở Hòa Bình vẫn giữ phong tục truyền thống như cắm cây nêu trước cửa, chuẩn bị mâm cỗ thờ cúng tổ tiên. Tùy từng hoàn cảnh gia đình, mâm cỗ cúng Tết thường có các lễ vật như bánh chưng và mật, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, chả rang và dồi, quếch, một ít tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối. Món thịt lợn được bày trên một mảnh lá chuối. Gia chủ chọn đủ miếng trong một con lợn để bày lễ cúng. Ngoài bánh chưng, món bánh nếp với vỏ bánh từ bột gạo nếp, nhân bánh là 7 con cá nhỏ là phong tục truyền thống của người Mường.
Không khí 3 ngày Tết rộn ràng như dưới xuôi, đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới là ngày lễ lớn nhất của người Mường. Họ gọi là lễ hội “mở mắt cồng, mắt lệnh”, lễ hội “xuống đồng” với quan niệm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài phần lễ trình các vị Thánh trong làng theo quan niệm người Mường thì phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như ném còn, đi cà kheo, tổ chức thi nấu ăn, hát múa, thi “Người đẹp xứ Mường”…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại