Thứ sáu 24/01/2025 03:57

Hệ quả chết người từ những thẩm mĩ viện "chui" quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Một cô gái ở Long An tìm đến cơ sở thẩm mĩ ở Tương Mai, Hà Nội để nâng mũi và đã tử vong sau 2 tháng hôn mê. Theo hồ sơ từ cơ quan điều tra thì cơ sở này hoạt động không phép, không treo biển nhưng lại quảng cáo trên mạng. Vậy trách nhiệm quản lý các cơ sở hoạt động theo hình thức này thuộc về đơn vị nào?
Thẩm mĩ viện "chui" quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội: Trách nhiệm thuộc về ai?
Địa chỉ thực hiện ca phẫu thuật dẫn đến tai biến tử vong cho cô gái ở Long An (ảnh: D.L)

Không có giấy phép, "hút" khách bằng bài đăng trên mạng xã hội

Theo thông tin kết quả điều tra ban đầu của CA quận Hoàng Mai (Hà Nội) về vụ việc cô gái tử vong sau 2 tháng hôn mê vì nâng mũi tại cơ sở thẩm mĩ viện Hoàng Minh Phong ở số 18C, tổ 20, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai thì có 6 người liên quan gồm: Nguyễn Sỹ Giang (sinh năm 1995 ở huyện Yên Thành, Nghệ An); Lê Ngọc Anh (sinh năm 1990 ở quận Long Biên, Hà Nội; là bác sỹ gây mê thuộc 1 bệnh viện ở Hà Nội); Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1991 ở huyện Đan Phượng, Hà Nội); Nguyễn Thiện Lễ (sinh năm 1999, quê quán Lục Nam, Bắc Giang); Trần Thế Anh (sinh năm 1991 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Hoàng Minh Phong (sinh năm 1994, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội). Cơ sở trên hoạt động khi chưa được cấp phép.

Căn cứ tài liệu điều tra xác định, qua quan hệ xã hội Giang quen biết Hoàng Minh Phong, rồi theo Phong học nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Khoảng tháng 2-2021 Phong rủ Giang về làm tại cửa hàng thẩm mỹ viện của Phong tại địa chỉ trên.

Bản thân Giang biết Phong không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vẫn đồng ý làm cùng Phong. Cơ sở này không treo biển hiệu liên quan phẫu thuật thẩm mỹ.

Giang lên mạng xã hội đăng bài làm phẫu thuật thẩm mỹ để tìm khách, nếu có khách làm phẫu thuật thẩm mỹ thì Giang sẽ báo lại Phong để thu xếp phòng phẫu thuật tại cửa hàng của Phong. Tiếp đó, Giang trực tiếp tiến hành làm phẫu thuật thẩm mỹ cho khách.

Khoảng tháng 5-2021, chị P.T.D.H liên hệ nhắn tin với Giang, nói muốn làm phẫu thuật nâng mũi và đã nhiều lần chuyển tiền cho Giang để đặt cọc. Tổng cộng, chị H. đã chuyển cho Giang 35 triệu đồng; Giang hẹn ngày 14-1-2022 sẽ tiến hành làm phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi cho chị H. tại địa chỉ 18C, Tổ 20, phường Tương Mai.

Chiều 14-1, chị H. đến cơ sở thẩm mỹ này và được làm thủ tục phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật chị H. được gây mê, tiêm thuốc tê. Sau khi mỗ đầu mũi được khoảng 20 phút chị H. có biểu hiện sức khoẻ không tốt nên được sơ cứu, thở oxy, hô hấp nhưng đã rơi vào tình trạng hôn mê. Chị H. được khâu định hình mũi rồi đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Ngày 25-2 do tình hình chậm chuyển biến, chị H, được đưa về BV Đa khoa tỉnh Long An để tiếp tục điều trị. Sau hơn 2 tháng hôn mê, nguy kịch, ngày 16-3, chị H đã qua đời.

Đằng sau các ca "thành công" được quảng cáo có thể là... nhiều ca tai biến

Theo tìm hiểu của PV PL&XH, chủ cơ sở thẩm mĩ này có bài quảng cáo trên 1 trang tin điện tử nhưng không có địa chỉ cụ thể, chỉ có số điện thoại liên hệ; đồng thời, trên fanpage H.M.P có slogan: "Trải nghiệm dịch vụ làm đẹp tuyệt vời nhất, nâng mũi phong thuỷ". Kèm theo đó là nhiều hình ảnh các ca phẫu thuật được cho là "thành công".

Trường hợp của chị H, không phải duy nhất và cũng không hiếm gặp. Câu chuyện tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ-đặc biệt thực hiện tại các cơ sở tư nhân chưa được cấp phép, không có uy tín, người thực hiện không có chuyên môn, bằng cấp đến nay không còn mới mẻ. Tuy nhiên, do quá tin vào những lời quảng cáo "có cánh" nên nhiều người vẫn "sập bẫy".

ThS-BS. Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ-BV E; Phó Chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật tạo hình thẫm mỹ- ĐH Y dược, ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết: Hiện nay có tình trạng các cơ sở hoạt động "chui" nhưng lại quảng cáo tràn lan không có kiểm soát trên mạng xã hội. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân không tìm hiểu kỹ trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, thực hiện phẫu thuật tại các cơ sở chui, không có bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ.

"Người bệnh không nên nghe theo quảng cáo về các trường hợp phẫu thuật thành công bởi có thể đằng sau đó đã có rất nhiều bệnh nhân khác gặp biến chứng nhiễm trùng, lệch mũi, thậm chí tử vong tại các cơ sở chui mà mình không thể biết được"- BS. Nguyễn Đình Minh nhấn mạnh.

Còn TS. BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia bày tỏ: Hiện nay các thẩm mỹ viện chui không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị mọc lên tràn lan. Các "bác sĩ tay ngang" nhiều vô số kể. Từ anh thợ cắt tóc gội đầu hay chị thợ làm nail, phun xăm, spa sau một vài khóa học ngắn hạn, khoác áo blouse lên tự xưng là "bác sĩ".

“Với các chiêu trò marketing đánh vào tâm lý muốn làm đẹp nhanh, không đau, giá rẻ của người dân. Bên cạnh đó là sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân là lý do khiến cho tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng gia tăng”, BS. Hoàng Thanh Tuấn chia sẻ.

BS. Tuấn cảnh báo: Người dân không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, giới thiệu mà hãy tìm hiểu kỹ về cơ sở mình sẽ đến làm đẹp. Tìm hiểu rõ xem cơ sở đó có được cấp phép hay không, bác sĩ phẫu thuật cho mình là ai có đúng là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hay không rồi hãy quyết định chọn mặt gửi vàng.

Thẩm mĩ viện "chui" quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội: Trách nhiệm thuộc về ai?
Hình ảnh quảng cáo về của thẩm mĩ viện H.M.P trên một trang tin điện tử năm 2020

Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý chuyên môn

Khi PV PL&XH đề cập đến vấn đề quản lý thông tin quảng cáo trên mạng xã hội với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thì được biết: Vấn đề quảng cáo trên mạng xã hội không phải do Bộ TT&TT làm mọi thứ mà quảng cáo chuyên ngành như thẩm mĩ viện phải do cơ quan chức năng chuyên ngành phát hiện mới biết cơ sở đó được cấp phép hay không.

"Khi họ phát hiện thấy đây là cơ sở thẩm mĩ viện hoạt động chui và có hình thức quảng cáo vi phạm thì thông báo cho Bộ TT&TT triển khai ngăn chặn hoặc yêu cầu không cho quảng cáo trên báo, đài", Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-truyền hình và thông tin điện tử cho biết.

Ông Lê Quang Tự Do cũng phân tích: Trong Nghị định 70 về Quảng cáo xuyên biên giới, Luật Quảng cáo và Nghị định 181 hướng dẫn Luật Quảng cáo đều ghi rõ trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành. Những lĩnh vực quản lý chuyên ngành nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm phát hiện quảng cáo sai phạm. Còn đầu mối để gỡ bỏ, ngăn chặn trên mạng xã hội, trên không gian mạng là Bộ TT&TT.

Trong Nghị định 38 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo cũng giao cho các địa phương và các bộ, ngành xử lý vi phạm đấy. Ví dụ ngành y do thanh tra Bộ Y tế phải xử lý thẩm mĩ viện sai phạm, khi xử lý rồi mà trên mạng còn quảng cáo thì gửi yêu cầu đó qua Bộ TT&TT sẽ can thiệp để gỡ.

PV PL&XH đã liên hệ đến số điện thoại của Chánh thanh tra Bộ Y tế nhằm làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên sau khi gọi điện thoại ông Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Bộ Y tế không nhấc máy; PV để lại tin nhắn nêu rõ nội dung cần được làm rõ và sau đó có gọi điện thoại lại cũng chưa được hồi đáp.

Kết quả điều tra ban đầu vụ cô gái tử vong vì phẫu thuật nâng mũi
Vụ cô gái tử vong sau khi nâng mũi: Có thể khởi tố tội Vô ý làm chết người
Cô gái tử vong sau nâng mũi: Loại thuốc dùng gây mê chỉ được sử dụng tại bệnh viện
Có thể khởi tố tội “Vô ý làm chết người”
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động