Thứ sáu 24/01/2025 13:53

Hòa giải viên cần phải nắm vững kiến thức về pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Thái Thị Thanh Năm, tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, làm công tác hòa giải cần phải nắm được kiến thức về pháp luật, vận dụng khéo léo, mềm dẻo, đúng tình, đúng lý… thì mới hòa giải thành.

Vận dụng khéo léo, mềm dẻo

Được biết, bà Thái Thị Thanh Năm, SN 1948, ở địa phương bà có tiếng là một người tổ trưởng tổ dân phố giỏi hòa giải, có uy tín, được người dân nể trọng, tin yêu.

Chia sẻ với PV, bà Năm cho biết, mình là người năng nổ, nhiệt huyết và thường xuyên tham gia các hoạt động của tập thể, luôn có trách nhiệm với công việc mà bà đảm nhận. Năm 2005 bà nghỉ hưu và được Nhân dân địa phương tín nhiệm, bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, từ đó bà kiêm công tác hòa giải.

-	Bà Năm luôn được người dân tin yêu, nể trọng
- Bà Năm luôn được người dân tin yêu, nể trọng

Theo bà Năm, làm hòa giải ở địa bàn dân cư thường xảy ra các mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, xây dựng, chuyện tình cảm vợ chồng ly hôn… Hơn 10 năm làm công tác hòa giải, bà Năm là người hòa giải thành công rất nhiều vụ việc phức tạp, có những vụ việc kéo dài nhiều năm.

Bà Năm chia sẻ: “Để hòa giải thành, trước hết hòa giải viên cần nắm rõ kiến thức về pháp luật, chủ trương của Đảng và đường lối của Nhà nước. Khi đó, mình sẽ vận dụng khéo léo, mềm dẻo trong hòa giải, phân tích đúng lý, đúng tình và đưa ra được yếu tố thuyết phục cả đôi bên.

Bên cạnh đó, làm hòa giải cần phải có cái tâm và sự kiên trì, luôn phải công tâm, công bằng và đặc biệt cần phải đặt mình vào vị trí của các bên để mình lắng nghe, thấu hiểu được nỗi lòng, mong muốn của họ…”.

Mang lại niềm vui cho người dân ở khu phố

Trong những năm làm công tác hòa giải, bà Năm còn nhớ câu chuyện về việc hàng xóm mâu thuẫn khi ở nhà tập thể, đơn thư kéo dài. Rất may, nhờ kiên trì vận động và tuyên truyền nên vụ việc đã được hòa giải thành công.

Theo đó, gia đình ông H ở tầng 2, còn gia đình anh N ở tầng 1 cùng khu tập thể. Sau nhiều năm sinh sống tại đây thì nhà ông H muốn sửa lại nhà và có làm đơn gửi ra phường và làm đơn nhờ hàng xóm ký đồng ý việc sửa nhà của ông H. Khi ký đơn thì anh N không ở nhà nên mẹ anh N là người ký.

Sau khi anh N đi công tác về thì thấy nhà ông H sửa chữa không đúng như trong đơn. Đơn đăng ký chỉ bịt sửa nhà tắm bằng tôn nhưng thực tế ông H xây bằng tường gạch và xây thêm các vị trí khác làm ảnh hưởng đến gia đình anh N. Do đó, anh N đã làm đơn kiện.

Về tổ dân phố, khi nắm được sự việc, thành viên tổ hòa giải đã đến nhà ông H để vận động, tuyên truyền và khuyên ông H nên tháo dỡ, làm tôn như trong đơn đã viết để không ảnh hưởng đến bà con hàng xóm và mọi người xung quanh. Tuy nhiên, ông H không hợp tác, cố tình không tháo dỡ. Anh N thấy vậy lại bảo nếu ông H không tháo dỡ thì phải đồng ý cho anh xây sửa lại mái phía trước nhà nhưng ông H không đồng ý. Hai bên không ai chịu nhượng bộ ai nên việc kiện cáo nhau cứ thế kéo dài.

Sau nhiều lần bà Năm kiên trì xuống nhà các bên gặp gỡ, hòa giải, làm công tác tư tưởng, phân tích đúng sai, cái lợi, cái hại, cái được, cái mất… Cuối cùng vụ việc được hòa giải thành. Nhà ông H chấp nhận tháo dỡ tường gạch đã xây, làm lại bằng tôn đúng như trong đơn xin phép sửa chữa. Nhà anh N cam kết không kiện cáo gì thêm nữa.

Cách nói chuyện nhẹ nhàng mà sâu sắc, cương nhu kết hợp, lại là người có uy tín nên ở xóm phố cứ có mâu thuẫn gì người dân lại báo cho bà Năm. 10 năm công tác, với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, không quản ngày đêm, mưa nắng, bà Năm đã mang lại niềm vui cho người dân ở khu phố. Hiệu quả mang lại từ những lần hòa giải thành công, việc bà Năm đã và đang làm được người dân luôn tin tưởng, trân quý cá nhân bà, thêm tin yêu vào cấp ủy và chính quyền cơ sở.

Theo Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013, hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây: Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải; hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải; theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hòa giải ở cơ sở được tiến hành theo trình tự, thủ tục: Phân công hòa giải viên, tiến hành hòa giải và kết thúc hòa giải. Hòa giải được kết thúc khi thuộc một trong các trường hợp sau: Các bên đạt được thỏa thuận; một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải.

Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả. Trong trường hợp này, hòa giải viên cần hướng dẫn các bên liên hệ, yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. tuyên truyền, vận động các bên chấp hành chính sách pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, hoặc gây mất ANTT.

Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động