Thứ năm 23/01/2025 06:07
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Phạm Thị Giang Thu:

“Học trò nhận được kiến thức chính là thành quả lớn nhất của sự nghiệp”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Phạm Thị Giang Thu, trưởng Bộ môn Luật Tài chính - ngân hàng, ĐH Luật Hà Nội, dành nhiều tâm huyết truyền thụ những kiến thức pháp luật cho thế hệ trẻ. Bà còn là tác giả nhiều đầu sách; thành viên Ban soạn thảo, Ban biên tập của nhiều dự án Luật. Dưới đây là những chia sẻ của PGS.TS Phạm Thị Giang Thu với PL&XH:

- Bà có thể bật mí về cơ duyên và tình cảm với ngành luật?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở quận Ba Đình, Hà Nội. Tôi từng ước mơ sau này sẽ trở thành bác sỹ, được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng để trị bệnh cứu người. Nhưng rồi “nghề chọn người” và tôi bất ngờ đến với ngành luật. Cùng với thời gian, tôi thấy mình thật hợp với nghề giáo, ngành luật. Công tác tại trường ĐH Luật Hà Nội 30 năm, tôi luôn tận tụy, yêu nghề và trau dồi kiến thức từ sách vở, thực tiễn.Từ các thế hệ đi trước, tôi tích lũy, phát triển để tìm ra phương pháp truyền đạt giúp sinh viên hiểu sâu được “gốc rễ” của vấn đề.

Khi là giảng viên trẻ, tôi đã nghĩ tới việc làm thế nào để có được cách tiếp cận đối với sinh viên thông qua những tình huống thực tiễn. Tôi tiên phong đưa sinh viên đi thực tế ở khoa. Thấy mô hình, cách thức giảng dạy của nước ngoài hay, tôi chủ động học tập, cho áp dụng tại khoa, tại trường.

Tôi cũng là người khởi nguồn cho các hoạt động khoa học chuyên môn định kỳ dưới dạng Seminar theo tháng và theo chủ đề từ năm 2016 cho đến nay. Đây là cách thức hỗ trợ cho phong trào nghiên cứu khoa học, tạo môi trường cho các giảng viên trẻ, sinh viên nghiên cứu khoa học có cơ hội nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu. Cách thức này cũng giúp cho cá nhân có cơ hội hoàn thiện công trình nghiên cứu và nâng cao khả năng lập luận trước khi đề xuất công bố tại các tạp chí hay công bố quốc tế.

Bà được ghi nhận, đánh giá là nhà giáo tâm huyết đối với hoạt động giáo dục đào tạo, có ảnh hưởng và có sức lan tỏa trong lĩnh vực pháp luật nói chung cũng như trong lĩnh vực pháp luật về tài chính ngân hàng nói riêng. PGS.TS còn tích cực tham gia ban soạn thảo nhiều dự án luật, thưa bà?

Ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của giảng viên, tôi cố gắng thực hiện nhiệm vụ của người dẫn dắt trong một số công việc liên quan tới đào tạo, nghiên cứu khoa học. Về đào tạo, tôi thuộc nhóm đầu tiên xây dựng đầy đủ hệ thống các môn học thuộc lĩnh vực luật tài chính - ngân hàng đào tạo theo tín chỉ tại trường ĐH Luật Hà Nội. Tôi đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho trường và đóng góp đào tạo cho nhiều cơ sở đào tạo luật khác ngay từ giai đoạn ban đầu: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Vinh và trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh.

Tôi cũng là chủ biên đồng thời là tác giả của nhiều sách chuyên khảo phục vụ cho đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và phục vụ cho các lĩnh vực lập pháp: Giáo trình Luật Thuế, Giáo trình Luật Chứng khoán, Giáo trình Luật Tài chính, Giáo trình Luật Đầu tư, Một số vấn đề về pháp luật thị trường chứng khoán ở Việt Nam… Các ấn phẩm trên được tái bản liên tục qua các năm và được sử dụng ở rất nhiều cơ sở đào tạo khác nhau.

Tôi tham gia xây dựng hệ thống pháp luật tài chính ngân hàng, phục vụ cho công tác lập pháp. Tôi là thành viên Ban soạn thảo, Ban biên tập của nhiều dự án Luật: Luật Chứng khoán (1998, 2006, 2010 và 2019), các Luật Thuế, Bộ luật Dân sự 2005, các Nghị định do Bộ Tư pháp hay Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia thẩm định nhiều dự án Luật khác nhau: Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng.

“Học trò nhận được kiến thức chính là thành quả lớn nhất của sự nghiệp”
PGS.TS Phạm Thị Giang Thu tại lễ trao tặng Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”

- Bà có thể chia sẻ về vai trò của người tuyên truyền pháp luật?

- Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy, hệ thống pháp luật hiện hành quy định khá đầy đủ. Nhưng khái niệm đầy đủ thì trừu tượng vì nó không vào việc cụ thể, pháp luật áp dụng chung cho nhiều vụ việc. Chuẩn đây là chuẩn ngang, chuẩn sâu. Và tôi muốn nhấn mạnh vai trò của những người tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tuân thủ.

Ví dụ, người kinh doanh bao giờ cũng muốn tìm con đường để có thể thu nhập nhiều nhất, nhưng tìm kiếm thu nhập vượt quá ranh giới dẫn đến vi phạm và chúng ta phải truyền thông về pháp luật. Truyền thông là một quá trình thẩm thấu, “mưa dầm thấm lâu”. Với nhóm đối tượng là ngân hàng, DN lại phải tuyên truyền theo những con đường sâu hơn.

Rồi gần đây, đồng tiền kỹ thuật số, sàn giao dịch của đồng tiền này xuất hiện. Từ đây, phát sinh nhiều góc độ khó khăn trong kiểm soát. Tác động tiêu cực của nó xảy ra lớn hơn mức độ chịu đựng của dân cư, gây ra ảnh hưởng xấu… và cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được, tránh xa để không trở thành nạn nhân.

“Học trò nhận được kiến thức chính là thành quả lớn nhất của sự nghiệp”
PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu luôn tâm huyết với nghề

-Về chất lượng của người học ngành luật, bà có đánh giá như thế nào?

- Tôi có quãng thời gian 30 năm dành cho ngành giáo dục. Tôi nhận thấy, các em sinh viên (gồm cả: nghiên cứu sinh, văn bằng 2 ĐH, sinh viên), rất sáng tạo. Họ là những người được tuyển đầu vào kỹ càng, ham hiểu biết. Đây cũng là áp lực cho chính người dạy. Tôi luôn phải rèn luyện, cập nhật kiến thức, tìm hiểu những vấn đề phát sinh để có thể giải đáp các câu hỏi của học trò.

Có thể thấy, thời đại 4.0 mang nhiều cơ hội học tập đến với người học, cách thức học của học trò cũng rất đa dạng và đòi hỏi kiến thức của người dạy ngày càng phải nâng cao hơn. Tôi luôn tâm niệm, giảng dạy còn là truyền lại đam mê, khích lệ cho sinh viên. Đã là nhà giáo, phải lan tỏa tri thức của mình càng nhiều càng tốt. Mọi người nhận được kiến thức mới chính là thành quả lớn nhất của sự nghiệp giáo dục.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Ngày 5-7, tại Hội nghị do Trường ĐH Luật tổ chức, PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu vinh dự đón nhận Quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” của Chủ tịch nước.TS Đoàn Trung Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, Danh hiệu vừa là vinh dự cá nhân, vừa là vinh dự, tự hào của Trường ĐH Luật Hà Nội, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo cán bộ pháp luật của nhà trường.
Quá trình công tác, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… tại ĐH Luật Hà Nội, Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Phạm Thị Giang Thu đã đạt được nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, danh hiệu Giáo viên giỏi cơ sở, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp, Điển hình tiên tiến ngành Tư pháp giai đoạn 2015-2020.
Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động