Thứ bảy 22/02/2025 03:10

Học viên lái xe gây tai nạn: người dạy lái có phải chịu trách nhiệm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, giáo viên hướng dẫn học viên tập lái xe nếu có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đào tạo lái xe, họ sẽ phải chịu trách nhiệm...
Học viên lái xe gây tai nạn: người dạy lái có phải chịu trách nhiệm?
Chiếc ô tô tập lái liên quan đến tai nạn tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CACC

Những vụ tai nạn nghiêm trọng

Mới đây, cơ quan chức năng huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn giữa hai xe máy khiến người phụ nữ tử vong trên đường ven biển ĐT719 qua xã Tân Thuận. Theo thông tin ban đầu, tối 15/2, chị H.T.T.T (SN 2002, trú tại xã Tân Thuận) điều khiển xe máy BKS 86H7-127.21 chở theo sau con gái 6 tuổi lưu thông trên đường ĐT719 hướng đi thị xã La Gi. Khi đến Km37 qua xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam thì xảy ra va chạm với xe máy BKS 86H2 - 8710 do anh T.T.T (cùng xã Tân Thuận) điều khiển lưu thông theo chiều hướng ngược lại.

Sau va chạm, chị T ngã ra đường bị ô tô cán qua người, tử vong tại chỗ. Con gái chị T và người điều khiển xe máy bị thương nặng trong vụ va chạm được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Đáng chú ý, sau tai nạn ô tô liên quan vụ tai nạn đã rời khỏi hiện trường.

Qua khám nghiệm hiện trường, trích xuất camera giám sát trên đường, bước đầu CA xác định phương tiện liên quan vụ tai nạn là xe tập lái BKS 86C-110.94 do tài xế N.H.H (SN 2002, trú tại thị xã La Gi) cầm lái thời điểm xảy ra tai nạn. Qua lời khai ban đầu của tài xế H, sau khi xảy ra tai nạn người này đã điều khiển xe rời khỏi hiện trường đến thị xã La Gi.

Trước đó, trên địa bàn xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xảy ra vụ tai nạn giao thông từ ô tô con do học viên tập lái cầm lái khiến bé gái 3 tuổi thiệt mạng. Theo đó, cháu N.T.T (3 tuổi, trú tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu) được chị họ chở bằng xe đạp đi trên tuyến đường của khu dân cư tập trung Hải Thanh thuộc xã Hải Thanh thì bất ngờ bị một ôtô con đi cùng chiều tông từ phía sau.

Cú tông làm xe đạp bị đổ, cả hai cháu ngã ra đường, cháu T bị ôtô tông thiệt mạng, còn chị cháu kịp chạy lên vỉa hè nên thoát nạn. Xe gây tai nạn là xe dành cho học viên tập lái của Trường trung cấp Đại Lâm (có địa chỉ tại phường Lộc Hạ, TP Nam Định). Vào thời điểm xảy ra tai nạn, thầy giáo dạy lái không ở trong xe mà ra ngoài ngồi uống nước, trong xe chỉ có 2 học viên nữ.

Những ai phải chịu trách nhiệm?

Về chế tài xử lý xe tập lái gây tai nạn, luật sư Nguyễn Phương Tuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong tình huống này, người học lái xe là cá nhân đầu tiên phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trong các trường hợp cụ thể, học viên tập lái xe, khi gây ra tai nạn, sẽ phải chịu trách nhiệm thực tế theo các tội danh tương ứng.

Trong trường hợp hành vi gây tai nạn tạo ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người lái xe học viên có thể bị xử lý theo tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức phạt cao nhất là 15 năm tù giam. Trong trường hợp người học lái xe tạo ra tai nạn mà họ chính là người gây ra vì sự tự tin quá mức hoặc do sự cẩu thả, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người”, theo quy định tại Điều 128 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cũng theo luật sư Nguyễn Phương Tuyến, giáo viên hướng dẫn học viên tập lái xe nếu có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đào tạo lái xe, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Trường hợp xác định giáo viên cho phép học viên tự điều khiển phương tiện trên đường, người này có thể bị xử lý hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt áp dụng sẽ là phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Hoặc tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù.

Cùng với đó, trường hợp học viên lái xe gây tai nạn, trường dạy lái xe cũng có thể chịu trách nhiệm tùy thuộc vào các tình huống cụ thể. Chiếc xe liên quan đến tai nạn thường là phương tiện dành cho học viên tại trường.

Do đó, trường dạy lái xe cần phải kiểm tra và đánh giá lại toàn bộ quy trình đào tạo, cũng như hồ sơ của giáo viên và học viên, đảm bảo rằng tất cả các hoạt động đều tuân thủ đúng quy định của nhà nước và trong quá trình đào tạo và sát hạch lái xe. Nếu trong quá trình hoạt động, trường dạy lái xe vi phạm các quy định và có hành vi quản lý không hiệu quả, người đứng đầu cơ sở đào tạo có thể phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các đơn vị đào tạo cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tùy thuộc vào mức độ vi phạm và tình hình thực tế.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự, luật sư Nguyễn Phương Tuyến cho biết, theo quy định của Điều 600 trong Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Khởi tố lái xe gây tai nạn khiến 3 người tử vong tại Quảng Ninh Khởi tố lái xe gây tai nạn khiến 3 người tử vong tại Quảng Ninh

Ngày 21/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ...

Hành vi lái xe gây tai nạn trong sân trường Hành vi lái xe gây tai nạn trong sân trường

Chuyên gia pháp lý nhận định, đối với trường hợp lái xe gây tai nạn trong sân trường, tuỳ từng mức độ có thể bị ...

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động