Thứ năm 23/01/2025 20:18

“Khi tham gia hòa giải, hòa giải viên không được đổ lỗi cho bất cứ bên nào”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là một trong những nguyên tắc trong công tác hòa giải được ông Đặng Đình Kích (64 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố Quang Minh, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên PL&XH về những kinh nghiệm để hòa giải thành các vụ việc mâu thuẫn được ông đúc kết trong suốt hơn 15 năm tham gia công tác hòa giải cơ sở.
Hơn 15 năm tham gia công tác hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, ông Đặng Đình Kích ngày ngày chăm chỉ se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm, cho biết bao gia đình. Ảnh: Văn Biên
Hơn 15 năm tham gia công tác hòa giải, với tấm lòng nhiệt huyết, đam mê, ông Đặng Đình Kích ngày ngày chăm chỉ se mối dây tình cảm gắn kết tình làng nghĩa xóm, cho biết bao gia đình. Ảnh: Văn Biên

Ông Đặng Đình Kích chia sẻ, giữ vững tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn là điều vô cùng quan trọng. Cuộc sống ổn định, bình yên thì đời sống tinh thần cũng như kinh tế - xã hội mới được phát triển tốt. Muốn đạt được điều đó công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò rất quan trọng.

Trong suốt thời gian tham gia công tác hòa giải, ông Kích luôn gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và thường xuyên lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tốt với cảnh sát khu vực, các chi hội đoàn thể và nhân dân ở tổ dân phố nắm bắt tình hình, các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân để giải quyết ngay tại cơ sở. Do đó, ông cùng với các thành viên tổ hòa giải đã hòa giải thành công nhiều vụ việc.

Theo ông Kích, muốn hòa giải thành công đòi hỏi người cán bộ hòa giải phải thực sự tâm huyết với nghề. Cái “nghề” này đòi hỏi những hòa giải viên vừa phải nắm vững chính sách pháp luật, lại phải tế nhị hài hòa, phân tích có lý, hợp tình mới khiến các bên tranh chấp xoa dịu được không khí căng thẳng.

Khi có vụ việc phát sinh ông sẽ chủ động báo cáo cấp ủy Chi bộ để được hướng dẫn, chỉ đạo. Ngoài ra, ông sẽ nghiên cứu, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rồi đến tận nơi để tìm hiểu, xác minh, thâm nhập quần chúng Nhân dân nghe họ nhận định để có thêm cơ sở đánh giá, tìm ra hướng giải quyết, đặc biệt ông luôn vận dụng những phong tục tập quán, những quy ước của tổ dân phố, sau đó tiến hành gặp gỡ các bên để hòa giải.

“Để thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận, trong quá trình hòa giải, tùy vụ việc, chúng tôi vận dụng những phong tục, tập quán, quy ước và những kiến thức pháp luật liên quan, nhẹ nhàng phân tích, giải thích có lý, hợp tình theo phương châm “đúng - sai phân minh”, “lý tình trọn vẹn” và xóa tan tranh chấp. Điều tối kỵ trong khi hòa giải là hòa giải viên không được đổ lỗi cho bất cứ bên nào. Hòa giải viên phải giúp các bên “hòa” thì mới “giải” được những mâu thuẫn”, ông Kích bộc bạch.

“Tiếp xúc với các bên nên tìm cách làm lắng dịu những uất ức, cảm xúc rồi tìm hiểu vụ việc. Sau mỗi lần hòa giải dù thành công hay thất bại, tổ hòa giải đều họp để đánh giá, rút kinh nghiệm, đưa ra những ý tưởng mới để giải quyết những vụ, việc về sau càng nhanh gọn và hiệu quả”, ông Kích chia sẻ thêm.

Từ kinh nghiệm nhiều năm gắn với “nghề” hòa giải, ông Kích tổng kết, mâu thuẫn phát sinh nhiều nhất vẫn là từ những xích mích, bất hòa liên quan đến quan hệ gia đình như: Vợ chồng cãi vã hay mâu thuẫn bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu, mâu thuẫn giữa các gia đình với nhau liên quan tranh giành đất đai.

Ông Kích tâm sự, càng gắn bó lâu ông càng thấy yêu nghề, nhưng cũng trăn trở nhiều hơn, bởi thực trạng hiện nay, tại địa bàn ông sinh sống, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, giá đất tăng cao, đời sống Nhân dân được nâng cao, đất đai có giá khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì những mâu thuẫn phát sinh ngày càng nhiều.

Mỗi khi chứng kiến cảnh bà con làng xóm cãi vã vì tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội hay mâu thuẫn ngay từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến ông không khỏi trăn trở, tự nhủ lòng mình cần phải cố gắng dốc sức hơn nữa trong công việc đem niềm vui đến với mỗi gia đình, giữ bình yên cho xóm làng.

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội cho biết: “Ông Đặng Đình Kích là một hòa giải viên nhiệt huyết, có nhiều đóng góp cho địa phương. Suốt nhiều năm tham gia công tác hòa giải cơ sở, phần thưởng lớn nhất của ông chính là sự đoàn kết, là tình cảm quý mến, nể trọng của mọi người. Nhờ ông mà lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để giải quyết công việc hợp lý, nhanh chóng”.

Quận Cầu Giấy, Hà Nội: 100% Tổ hòa giải đạt tiêu chuẩn “Tổ hòa giải 5 tốt” Quận Cầu Giấy, Hà Nội: 100% Tổ hòa giải đạt tiêu chuẩn “Tổ hòa giải 5 tốt”
“Làm giàu” vốn kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở “Làm giàu” vốn kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở
Hòa giải viên “nối” tình vợ chồng Hòa giải viên “nối” tình vợ chồng
Văn Biên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động