Thứ năm 23/01/2025 13:50

Không có lương hưu, người lao động lớn tuổi chật vật mưu sinh

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quá tuổi lao động, không có lương hưu, những người lao động lớn tuổi ở Hà Nội đang phải lao ra đường làm đủ thứ nghề để có thể tồn tại.
Không có lương hưu, người lao động lớn tuổi chật vật mưu sinh

Nhiều lao động lớn tuổi vẫn phải vật lộn tìm việc mưu sinh hàng ngày. Ảnh: Vương Yến

Những hình ảnh người lao động tự do ngồi nghỉ ngay dưới gầm cầu vòng xuyến Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chờ công việc không phải là hình ảnh hiếm thấy. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.

App báo có khách đặt xe, ông Trần Văn Thanh (65 tuổi, ở Kim Mã) vội vã lên đường đi đón. Chuyến xe từ chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đến Bến xe Mỹ Đình, quãng đường dài 5,4km, khách áp dụng khuyến mãi nên giá cước chuyến đi chỉ 18.000 đồng. Sau khi trừ chiết khấu cho app xe ôm công nghệ (khoảng 20% - 25%), thì ông Thanh nhận về khoảng 14.000 – 15.000 đồng (chưa tính tiền xăng xe) cho chuyến đi này.

Ông Thanh cho biết: “Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng từ 200.000 – 300.000 đồng, chưa tính tiền xăng xe”. Ông Thanh thường bắt đầu công việc lúc 5h30 và trở về phòng trọ lúc 20h mỗi ngày.

Không có lương hưu, người lao động lớn tuổi chật vật mưu sinh

Bà Bé vẫn cặm cụi với chiếc xe thu gom phế liệu hàng ngày để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Vương Yến

30 năm trước, ông Thanh có công ty chuyên hàng may mặc, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế khắp châu Á vào năm 1997 khiến công ty của ông gặp khó khăn và cuối cùng bị phá sản vào đầu những năm 2000. Thất bại trong kinh doanh kéo theo khủng hoảng hôn nhân để rồi ông Thanh và vợ ly hôn sau hơn 30 năm chung sống.

“Tôi có 3 đứa con, nhưng cuộc sống của chúng cũng không dễ dàng gì nên tôi không muốn nhận trợ cấp từ chúng. Ngày nào còn khoẻ mạnh, ngày đó tôi còn tự làm việc để nuôi sống bản thân mình” - ông Thanh chia sẻ.

Giống như ông Thanh, ông Nguyễn Văn Khánh (60 tuổi), rời vùng quê nghèo Hà Tĩnh lên Hà Nội để mưu sinh. Khác với ông Thanh sống một mình thì ông Khánh đang nuôi con gái học năm 3 đại học. Ông Khánh cho biết, mỗi ngày ông chỉ ngủ 5 tiếng, ông thường chạy xe, nhận chở hàng từ 5h sáng đến 23h mỗi ngày, ông kiếm được khoảng 700.000 – 800.000 đồng mỗi ngày chưa tính chiết khấu và xăng xe. Số tiền đó vừa đủ để ông Khánh lo cho con gái đi học. Nhưng số tiền đó cũng chỉ là những ngày cao điểm, còn những ngày mưa gió, ít khách, ông xác định đi làm không công.

Ông Thanh, ông Khánh hay nhiều tài xế xe ôm công nghệ tại khu vực này có hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết đều phải ra đường mưu sinh khi quá tuổi lao động vì họ không có lương hưu, trong khi họ vẫn phải trang trải cho cuộc sống của mình và gia đình.

Không có lương hưu, người lao động lớn tuổi chật vật mưu sinh
Ông Khánh làm cật lực từ 5h sáng đến 23h hàng ngày nuôi con gái đang học năm 3 đại học. Ảnh: Vương Yến

Không có nguồn thu nhập ổn định cũng không có lương hưu hàng tháng nên bà Nguyễn Thị Bé (quận Long Biên) ngày nắng cũng như ngày mưa phải lam lũ mưu sinh trên vỉa các con phố để nhặt ve chai. 67 tuổi, nhưng hơn 10 năm nay, chỉ những lúc ốm đau, bà Bé mới ở nhà nghỉ, còn lại một người một chiếc xe đẩy tự chế, bà rong ruổi khắp các con ngõ ở quận Long Biên để nhặt ve chai mưu sinh.

Bà Bé cho biết: “Chồng mất sớm, có 3 người con thì đứa con trai duy nhất cũng mất khi còn nhỏ, hai đứa con gái thì lấy chồng nhưng cuộc sống cũng vất vả nên không đỡ đần được gì. Không muốn thành gánh nặng của con, lại còn sức khoẻ nên tôi tranh thủ đi làm để tự lo cho bản thân mình”.

Bà Bé, ông Thanh, ông Khánh chỉ là một trong số hàng triệu người già không có lương hưu. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).

Trong số này, khoảng 3,4 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng với mức bình quân 4,2 triệu đồng/tháng. Khoảng 1 triệu người hưởng trợ cấp người có công; 1,8 triệu người hưởng trợ giúp xã hội cho người cao tuổi với mức 360.000 đồng/tháng.

Như vậy, vẫn còn khoảng trên 8 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng không có lương hưu hay bất kỳ chế độ nào. Đây cũng là một khoảng trống về chính sách cần có giải pháp khắc phục.

Về hưu vẫn phải mưu sinh vì lương hưu không đủ sống Về hưu vẫn phải mưu sinh vì lương hưu không đủ sống
Thái Phương - Vương Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động