Thứ năm 23/01/2025 20:20
Khó quản lý học tiếng Anh liên kết, kỹ năng sống trong giờ học chính khóa:

Kỳ 1: Đăng ký học trên tinh thần “tự nguyện trong ép buộc”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trước tình trạng biến tướng của các lớp học tiếng Anh liên kết, kỹ năng sống xen ngang tiết học chính khóa tại các cấp học gây bức xúc dư luận, ngay từ đầu năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã có văn bản chỉ đạo về rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng tựu trường, ghi nhận tình trạng lớp học tiếng Anh liên kết, kỹ năng sống vào giờ học chính khóa vẫn nở rộ, mạnh ai người nấy làm.
Học sinh phải “chạy đua” học tiếng Anh theo lịch thời khóa biểu hàng ngày. Ảnh: Mộc Miên
Học sinh phải “chạy đua” học tiếng Anh theo lịch thời khóa biểu hàng ngày. Ảnh: Mộc Miên

Những văn bản, chỉ đạo trên giấy

Tại Văn bản số 5333/BGDĐT-GDTrH gửi các Sở GD&ĐT về việc rà soát, báo cáo tình hình hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, có nêu rõ: thực hiện các quy định của Bộ GD&ĐT về hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục, các địa phương đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động như: giáo dục kỹ năng sống; liên kết ngoại ngữ, dạy tin học tăng cường; tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường… theo nhu cầu người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (cơ sở giáo dục). Kết quả đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học.

Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn hạn chế, dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này.

Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, một số Sở GD&ĐT các tỉnh, thành ra văn bản khẩn chấn chỉnh hoạt động liên kết dạy thêm giữa nhà trường với các trung tâm, nhiều đơn vị tạm dừng hoạt động để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý.

Sở GD&ĐT Hà Nội ra văn bản yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia. Trên tinh thần chủ động, Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn đã có văn bản yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động liên kết đào tạo các môn kỹ năng sống trong trường học để rà soát, kiểm tra hồ sơ các đơn vị liên kết. Lưu ý việc kiểm tra hồ sơ của các đơn vị liên kết phải đủ điều kiện theo quy định. Nếu các trường tự ý triển khai với các đơn vị liên kết chưa có đủ điều kiện theo quy định và chưa được Trưởng phòng GD&ĐT phê duyệt, Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm.

Sở GD&ĐT TP Hải Phòng chỉ đạo tăng cường quản lý, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa. Thông qua các bước rà soát chất lượng, đánh giá hoạt động liên kết có hiệu quả hay không từ cấp trường, Phòng GD&ĐT quận, huyện để có kết quả đánh giá khách quan chất lượng học tập và làm căn cứ triển khai quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn. Để quản lý chặt chẽ các hoạt động liên kết, HĐND TP Hải Phòng đã quy định rõ mức thu của các hoạt động liên kết.

Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo Văn bản số 2075/SGDĐT-GDtrH-GDTX lưu ý về triển khai dạy học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài theo hình thức xã hội hóa trong các trường tiểu học và THCS năm học 2023-2024. Để đảm bảo việc triển khai dạy học tiếng Anh với người nước ngoài hiệu quả, thiết thực, theo đúng quy định.

Tiếng Anh liên kết vẫn xen vào giờ học chính khóa

Ghi nhận thực tế, các trường học triển khai dạy tiếng Anh liên kết xen vào giờ học chính khóa. Tại trường tiểu học Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), theo thời khóa biểu của một học sinh lớp 4, môn tiếng Anh được xếp lịch học 7 tiết/tuần. Trong đó, tiếng Anh theo chương trình chung là 4 tiết/tuần, 1 tiết tiếng Anh STEM và tiếng Anh liên kết với Hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh là 2 tiết/tuần. Các tiết học tiếng Anh liên kết với Hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh được phân tiết vào chiều thứ 2 (khung giờ 13h45 - 14h25) và một tiết học chiều thứ 6 khung giờ (14h25 - 15h05). Nhìn vào thời khóa biểu có thể thấy số lượng các tiết học tiếng Anh chiếm thời lượng lớn trong các bộ môn.

Theo chị N.T.D, trước khi triển khai học tiếng Anh, phía nhà trường đã gửi thông báo tới phụ huynh đăng ký và gửi đơn đăng ký học trên tinh thần “tự nguyện”. Dù vậy, tinh thần “tự nguyện trong ép buộc”, vì nhiều phụ huynh không có nhu cầu cũng phải đăng ký vì không muốn cho con cái “tủi thân”. Chị D chia sẻ, có một số trường hợp các em học sinh phụ huynh không đăng ký học, giáo viên sẽ sắp xếp cho các con xuống phòng thư viện ngồi chờ và để nhường phòng học cho các bạn đã đăng ký.

Ở năm học trước, phía nhà trường liên kết với Trung tâm ngoại ngữ Ismart với học phí 340.000/tháng. Do nhiều ý kiến về chi phí học đắt đỏ, chất lượng kém nên năm nay, nhà trường đã đổi đơn vị liên kết là Hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh với mức học phí 150.000/tháng.

Lớp 4 của con chị D có số lượng 60 học sinh, nhẩm tính chi phí tiếng Anh của lớp học 9 triệu đồng/tháng, mỗi tiết dành cho chi phí học tiếng Anh liên kết là khoảng 1,1 triệu đồng.

Ngoài học tiếng Anh theo chương trình chung từ nhà trường, chị D cũng đăng ký cho con học thêm tiếng Anh ngoài trung tâm ngoại ngữ buổi tối và qua chương trình app trên nền tảng số.

Chị N.T.D chia sẻ: “hiện nay tiếng Anh có tính ứng dụng cao trong đời sống nên chị muốn đầu tư cho con cái học tập, để con có tương lai rộng mở hơn. Chi phí mỗi tháng cho con học tiếng Anh là khoảng 2 triệu đồng. Do kinh tế có phần eo hẹp, chị D lựa chọn trung tâm học có học phí tầm trung bình, thế nhưng khi so sánh chất lượng học trên trường và tại trung tâm, chị D khẳng định, chất lượng học tại trung tâm tốt hơn rất nhiều”.

Nhìn thời khóa biểu của cô con gái học lớp 4, chị D băn khoăn khi các tiết học tiếng Anh liên kết sắp xếp vào giờ học chính khóa, ảnh hưởng đến chất lượng học tập theo chương trình chung. Chị D bày tỏ, thời khóa biểu cần được xây dựng khoa học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học, sắp xếp học 7 tiết tiếng Anh mỗi tuần được cho rằng gây quá tải.

Để tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh và học viên khi tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

(còn nữa)

Để giao dịch bảo hiểm đảm bảo nguyên tắc tự nguyện
Người lao động sẽ được hỗ trợ phí bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Trẻ được lắng nghe, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động