Thứ sáu 24/01/2025 00:32
Người lao động mưu sinh dịp cuối năm và nỗi lo "Tết"

Kỳ 1: Những vất vả ngày cuối năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quay trở lại làm việc sau thời gian dài tạm dừng công việc do ảnh hưởng của Covid-19, đến cuối năm, nhiều công nhân lại tiếp tục với nỗi lo năm hết Tết đến. Đồng lương ít ỏi cùng với số tiền thưởng Tết khiêm tốn khiến nhiều người tiếp tục thắt lưng buộc bụng để vun vén cho gia đình ăn Tết.
Kỳ 1: Những vất vả ngày cuối năm
"Năm hết Tết đến" là nỗi lo của nhiều công nhân. Ảnh: Khánh Huy

Vất vả ngày cuối năm

Với nhiều nhân viên vệ sinh môi trường thì việc đón năm mới ngoài đường có lẽ đã quá quen thuộc. Cận Tết, nhà nhà dọn dẹp để chuẩn bị đón Tết nên lượng rác thải sinh hoạt, rác thải cồng kềnh tăng chóng mặt. Chính vì vậy, những ngày này, khối lượng công việc nhiều hơn.

Sự quen thuộc khi đón năm mới bên ngoài là thế, nhưng nếu được hỏi về cảm xúc khi phải làm việc thông đến ngày đầu năm mới, nhiều nhân viên dọn vệ sinh môi trường vẫn không khỏi buồn. Nhất là khi thời tiết miền Bắc đang có những đợt rét đậm, mọi người được quây quần bên gia đình, bên những bữa cơm ấm áp cuối năm, thì với đặc thù công việc, những người lao động âm thầm này vẫn miệt mài với công việc dưới những cơn gió lạnh.

Chị H, một nhân viên dọn vệ sinh môi trường chia sẻ: “16 năm thường xuyên đón năm mới với đồng nghiệp, nhưng vào những ngày này, chúng tôi lại gạt đi sự chạnh lòng, lấy công việc làm niềm vui, cùng động viên và khích lệ tinh thần nhau khởi đầu công việc của một năm mới”.

Lượng công việc vào tết Dương lịch cũng chưa nhiều bằng dịp gần tết Âm lịch. "Tết ai cũng muốn quây quần ở nhà nhưng rác mà ứ đọng thì cũng là công việc của chúng tôi. Vì thế đã làm công việc này thì Tết và ngày lễ đều là những ngày làm việc nhiều hơn. Chúng tôi cảm thấy tự hào về công việc của mình đã góp phần cho thành phố sạch sẽ, gọn gàng hơn. Ai đi chơi Tết cũng thấy sạch sẽ thì chúng tôi cảm thấy vui rồi", chị H chia sẻ.

Nỗi niềm người lao động ngày cận Tết

Là công nhân của một bếp công nghiệp cho một công ty tại Khu công nghiệp Sài Đồng, chị Nguyễn Thị Tuyết (Long Biên) cho biết, thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp ở Hà Nội, chị và hầu hết những công nhân trên bếp ăn bị cho nghỉ việc vì lúc đó bếp ăn hạn chế, không cần quá nhiều người. Lang thang tìm việc đến gần 1 năm sau thì chị tiếp tục được nhận vào một bếp ăn khác, cũng nấu ăn cho công nhân tại một công ty.

“Sau khi trừ bảo hiểm, số tiền thực nhận từ lương cứng của tôi là hơn 5 triệu. Nếu trong tháng có nhiều ngày tăng ca, thêm giờ thì số tiền nhận được có cao hơn chút. Tuy nhiên, tôi vẫn phải đi làm thêm vào những ngày nghỉ để tăng thu nhập”, chị Tuyết nói.

Chị cũng cho biết, với gia đình hai vợ chồng và 2 đứa con, số tiền kiếm được từ công việc chính thức không thể đủ để trang trải cho cuộc sống. Bởi lẽ, chồng chị thuộc diện lao động nghỉ mất sức, nên chị là lao động chính trong nhà. Với hai đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi học thì gánh nặng về tài chính với chị không hề đơn giản.

“Đến giờ, khi đã cận kề Tết nhưng cũng chưa thấy công đoàn nói đến tiền thưởng. Tôi có dò hỏi mọi người, như năm trước tiền thưởng Tết được 5 triệu/công nhân. Với những cái cần sắm sửa cho gia đình, gửi Tết đôi bên nội ngoại thì quả thực không thấm tháp vào đâu”, chị Tuyết cho biết. Chính thế với chị, những ngày dài nhận lau dọn nhà cửa theo giờ gần như là nguồn phụ thu để hy vọng có đủ tiền lo một cái Tết tươm tất.

Gần Tết, không còn cái ấm áp như đầu mùa, thời tiết Hà Nội có những ngày rét mướt, mưa lạnh, nhiều người lao động đang đứng ngồi không yên khi đã năm hết Tết đến mà thu nhập họ chẳng đáng là bao. Họ vẫn nỗ lực làm việc bởi những đứa trẻ ở nhà đang mong bố mẹ đem Tết về đơn giản chỉ là vài gói kẹo, một bộ quần áo mới và mấy nghìn tiền lì xì đầu năm, thế là chúng vui lắm rồi. Chúng vẫn đón chờ Tết, dẫu năm nào cũng muộn mằn.

Gần tới Tết, nhưng lao động từ các vùng quê vẫn đổ ra thành phố tìm việc thời vụ. Chẳng có bao nhiêu người liên hệ đến các trung tâm giới thiệu việc làm. Họ sợ phải trả tiền hoa hồng, sợ không có cơ hội tìm việc nhanh, nên với họ cách tốt nhất vẫn là qua những người quen giới thiệu. Họ vẫn thường đứng nơi các ngã tư, với dụng cụ lao động chỉ đơn thuần là đôi bàn tay của mình. Thời điểm cuối năm, những công việc như dọn nhà theo giờ, sơn tường, quét vôi, đánh véc ni, dọn vườn, trồng và cắt cây cảnh… tất tần tật mọi người đều có thể làm thành thạo. Nhưng cũng có nhiều công việc với thu nhập khá hơn là bốc vác ở các chợ đầu mối được cánh đàn ông lựa chọn.

Chị Lê Thị Yến (Thanh Hóa) cho biết, mỗi ngày các chị làm khoảng 12 tiếng đồng hồ, công việc tất nhiên vất vả hơn ở quê với những công việc khá đơn giản, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, nhưng thường thì thù lao không nhiều. Dẫu vậy chị vẫn tự an ủi mình, “năng nhặt thì mới mong chặt bị”.

Chị Yến nói nếu muốn chọn một lao động “việc gì cũng đảm” thì mức lương 120.000 đồng/người/ngày, còn lao động “việc gì cũng phải bày” thì giá chỉ có 80.000 đồng”. Riêng chị Yến may mắn nhận được công việc chăm sóc một bà cụ đang nằm điều trị ở bệnh viện. “Cuối năm, con cái bà bận rộn với công việc, mình chăm sóc cụ cẩn thận, họ thương nên ngoài tiền công, các con cụ thường xuyên dúi cho chị tiền ăn sáng. Vậy cũng đỡ!”, chị Yến cho biết thêm.

Hà Nội chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách
Hà Nội: Tổ chức tốt việc chăm lo cho người lao động đón Tết chu đáo, an toàn
Hà Nội: Hàng nghìn việc làm bán thời gian cho người lao động dịp Tết
Duy Linh - Hồng Giang
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động