Thứ sáu 24/01/2025 12:45
Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện Đề án 06:

Kỳ 2: Bảo đảm dữ liệu hộ tịch và dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong lĩnh vực Hộ tịch, Sở Tư pháp Hà Nội đã tập trung cập nhật dữ liệu hộ tịch, dân cư, ban hành các văn bản hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt lĩnh vực này…
Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp quận, huyện, xã, phường đã tập huấn Chứng thực bản sao điện tử, ký số kết quả TTHC, hướng dẫn sử dụng Cổng DVC
Công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp quận, huyện, xã, phường đã tập huấn Chứng thực bản sao điện tử, ký số kết quả TTHC, hướng dẫn sử dụng Cổng DVC

Rà soát, đối chiếu, cập nhật dữ liệu hộ tịch - dân cư

Trưởng phòng Hành chính Tư pháp – Sở Tư Pháp Hà Nội Lã Hoàng Hưng cho biết, rà soát dữ liệu Đăng ký khai sinh - Cấp số định danh cá nhân, từ ngày 01/01/2016 đến ngày 01/5/2022, có hơn 30.000 lỗi chính tả/1.290.000 hồ sơ, đã được kịp thời cải chính, sửa chữa, chiếm tỷ lệ 01 lỗi/10.000 hồ sơ, do công dân hoặc công chức đánh máy sai chính tả. Sở Tư pháp đã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát, cải chính, sửa chữa, rút kinh nghiệm.

UBND, CA các quận, huyện, thị xã phối hợp, ghi chú người thôi quốc tịch Việt Nam (hơn 1.176 trường hợp); rà soát người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh nhân thân (85 trường hợp); người di cư, trẻ em là con lai giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài trên địa bàn (hơn 1.564 trường hợp); các trường hợp thông tin chưa chính xác hoặc chưa thống nhất cần kiểm tra, xử lý, bảo đảm dữ liệu hộ tịch và dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Sở Tư pháp đã có Văn bản số 2804/STP-HCTP ngày 17/10/2022 gửi CATP tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 29/KH-BCĐ ngày 19/10/2022 thí điểm rà soát, đối chiếu, cập nhật thông tin trong Sổ Hộ tịch và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến 7h ngày 07/12/2022 toàn TP rà soát được khai sinh: 159.241, khai tử: 30.707, kết hôn: 56.049, con nuôi:120. Ban chỉ đạo 06 TP đã có Văn bản số 33/CV-BCĐ06 ngày 23/11/2022 báo cáo tổ công tác Đề án 06 Chính phủ.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là các cơ sở dữ liệu được xây dựng tập trung tại Trung ương, việc nhập dữ liệu, số hóa sổ hộ tịch thuộc trách nhiệm thực hiện của cơ quan tư pháp địa phương. Song, sau khi cập nhật, phê duyệt cơ sở dữ liệu thì việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải do các cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu (Bộ Công an, Bộ Tư pháp) thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan Nhà nước và Nghị định số 87/2020/NĐ-CP.

Sở Tư pháp đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp thống nhất các nội dung phối hợp, kết nối dữ liệu dân cư, hộ tịch: Đúng, đủ, sạch, sống, hiệu quả (Khai sinh - thường trú, khai tử - xóa thường trú, thay đổi, cải chính hộ tịch, thôi quốc tịch, con lai, không giấy tờ,…).

Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để cơ sở triển khai

Về công tác Chứng thực bản sao điện tử, đồng chí Lã Hoàng Hưng cho hay, ngày 25/3/2022, Sở Tư pháp đã ban hành Văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai Chứng thực bản sao điện tử gửi UBND các quận, huyện, thị xã. Ngày 30/3/2022, tập huấn, hướng dẫn cho công chức cấp huyện, cấp xã: Chứng thực bản sao điện tử, ký số kết quả TTHC; Hướng dẫn sử dụng Cổng DVC quốc gia.

Ngày 06/5/2022, ban hành Văn bản hướng dẫn chi tiết triển khai ký số kết quả TTHC gửi UBND các quận, huyện, thị xã. Ngày 30/5/2022, tuyên truyền, phổ biến về Chứng thực bản sao điện tử trên Cổng DVC quốc gia bằng 02 video cho công chức và công dân. Đến ngày 23/12/2022, 30/30 quận, huyện triển khai chứng thực bản sao điện tử.

Đề nghị các cơ quan, đơn vị: Kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu; Ký số giấy tờ gửi vào tài khoản giao dịch điện tử, thư điện tử của công dân; khuyến khích, tạo điều kiện cho công dân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bản giấy: Sở Tư pháp đã có Văn bản số 3627/STP-HCTP ngày 27/12/2022 gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị triển khai thực hiện: Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, Điều 13 khoản 2. Bãi bỏ cụm từ “trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú” tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Quyết định số 2228/QĐ-BTP ngày 14/11/2022 của Bộ Tư pháp công bố TTHC mới ban hành; TTHC được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Công văn số 5672/C06-TTDLDC ngày 22/8/2022 của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội về việc phối hợp triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020, trong đó có các phương thực sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện TTHC, giao dịch dân sự.
Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện Đề án 06: Kỳ 1: Hơn 2 triệu trường hợp đã số hóa điện tử
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động