Kỳ 2: Những làng khoa bảng tiêu biểu đất Thăng Long
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ông Phan Quốc Bảo giới thiệu về nhà thờ Đại tôn họ Phan tại Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Đỉnh cao khoa bảng đất Thăng Long
Nằm bên hữu ngạn sông Hồng, làng Đông Ngạc (tên Nôm là Kẻ Vẽ) từ thế kỷ XV đã nổi danh là mảnh đất sinh hiền dưỡng sĩ. Với 23 vị đỗ đại khoa, hơn 400 cử nhân, tú tài, đây là làng có số người đỗ đại khoa nhiều nhất Thăng Long – Hà Nội.
Các dòng họ lớn như họ Phan, họ Phạm, họ Đỗ, họ Nguyễn... đều có truyền thống học vấn lâu đời, nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Đông Ngạc cũng là quê hương của những danh nhân tiêu biểu như sử gia Phan Phu Tiên, đại thần Đỗ Thế Giai, nhà hoạt động cách mạng Phan Văn Trường.
Không gian văn hóa của làng được gìn giữ qua nhiều thế hệ: văn chỉ, nhà thờ họ, hương ước trọng học, lớp học gia đình... đều tồn tại và phát huy vai trò đến tận ngày nay. Hội Khuyến học phường Đông Ngạc được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu của quận Bắc Từ Liêm. Hàng năm, lễ tuyên dương học sinh giỏi, khen thưởng giáo viên xuất sắc vẫn được tổ chức tại sân đình cổ, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Ông Phan Quốc Bảo (Trưởng học họ Phan làng Đông Ngạc) cho biết: “Yếu tố cốt lõi của truyền thống hiếu học làng Đông Ngạc nằm ở cấu trúc gia tộc. Làng có tứ vọng tộc là Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn và sau này thêm họ Hoàng. Các gia tộc giữ gìn truyền thống tri ân tổ tiên như giỗ tổ, tuần rằm, mồng một... Có một câu đối rất nổi tiếng của làng là “Vô vọng bất thành quan” tức là người làm quan phải về vọng làng thì mới được làng công nhận. Đó là một nét văn hóa rất riêng của Đông Ngạc – quê hương của nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao”.
Từ truyền thống ấy, mỗi dòng họ đều có ngày giỗ tổ riêng để vinh danh con cháu học giỏi. Chẳng hạn như họ Phan, vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm sẽ tổ chức ba hoạt động chính: lễ tế tổ, lễ mừng thọ và lễ khuyến học. Việc này đã duy trì liên tục 30 - 40 năm nay, trở thành lệ bất thành văn.
Tả Thanh Oai (Thanh Trì) – Làng bên Đầm Mực, nơi bút mực khai khoa
Tọa lạc ở phía nam Thăng Long, Tả Thanh Oai (tên Nôm là Kẻ Tó) không chỉ nổi danh bởi vẻ đẹp cổ kính mà còn là nơi sản sinh ra 12 vị đỗ đại khoa, trong đó có 4 Hoàng giáp, 8 Tiến sĩ. Đây cũng là quê hương của dòng họ Ngô Thì một gia tộc khoa bảng bậc nhất Việt Nam với các danh nhân như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, cùng Ngô Gia văn phái.
Truyền thuyết kể rằng thầy Chu Văn An, danh sư thời Trần nổi tiếng vì tài học và đức độ, từng có một học trò đặc biệt là con trai của vua Thủy Tề, hóa thân thành người để theo học. Chàng trai ngày ngày chăm chỉ đến lớp, sau giờ học lại biến mất vào đầm nước gần trường. Một hôm, thầy Chu phát hiện dấu vết bèo tấm trên đầu học trò, từ đó biết thân phận thật của chàng. Vào một năm trời hạn hán dữ dội, thầy Chu lo lắng cho dân tình nên hỏi học trò xem có thể giúp đỡ. Người học trò thủy thần đã khẩn cầu trời đất, dùng bút nghiên của mình vẩy mực lên trời để cầu mưa, bất chấp việc trái lệnh thiên đình. Khi mưa trút xuống cứu mùa màng, cũng là lúc chàng phải chịu tội, hóa thành một thuồng luồng chết nổi trên mặt đầm. Thầy Chu đau xót, tổ chức an táng long trọng và dân làng lập đền thờ để ghi nhớ công ơn. Nơi nghiên mực rơi xuống được gọi là Đầm Mực, còn nơi rơi quản bút là vùng Tả Thanh Oai sau trở thành đất học nổi tiếng. Đến nay, làng vẫn giữ được nhiều dấu tích như nhà thờ họ Ngô Thì, văn bia ghi danh, các lễ giỗ tiến sĩ, không gian học cổ kính.
Điểm đặc biệt của Tả Thanh Oai là mô hình "học điền" với 40 mẫu ruộng công được dân làng dành riêng cho việc nuôi thầy, giúp trò, thưởng người học giỏi. Cơ chế khuyến học dân lập này sớm tạo nền tảng vững chắc cho phong trào học tập bền vững. Làng cũng có quy định rõ trong hương ước: người đỗ đạt sẽ được rước về làng, ghi tên lên bảng vàng, trong khi các gia đình có con em vi phạm quy tắc học hành sẽ bị nhắc nhở trong các kỳ họp giáp.
Ông Ngô Văn Lưu (Đại diện dòng họ Ngô Thì tại Tả Thanh Oai) chia sẻ: “Phát huy những giá trị mà các cụ để lại, chúng tôi ngày nay vẫn luôn tưởng nhớ và có một ngày trong năm là ngày 25/9 đặt là ngày khuyến học trong dòng tộc. Các con cháu luôn cố gắng ra sức học tập noi gương của tổ tiên. Hội đồng gia tộc cũng rất sát sao với việc học hành và khuyến học trong gia đình. Các cháu học giỏi được khen thưởng, đồng thời cũng có những hoạt động kèm cặp giúp các cháu thêm tiến bộ”.
Đến nay, làng Tả Thanh Oai vẫn giữ được nhiều dấu tích như nhà thờ họ Ngô Thì, văn bia ghi danh, nhà văn chỉ của làng với văn bia cổ, các lễ giỗ tiến sĩ, không gian học cổ kính. Người dân nơi đây vẫn thường nói: "Ở làng Tó, ra ngõ gặp cử nhân."
![]() |
Ông Ngô Văn Lưu giới thiệu về gia phả họ Ngô Thì ghi trên bia đá tại Đài Truy viễn của dòng họ Ngô Thì tại Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy |
Hạ Yên Quyết Nguyệt Áng, Phú Thị, Chi Nê – Cụm làng hiếu học phía nam và tây nam Thăng Long
Cùng với Đông Ngạc và Tả Thanh Oai, cụm làng khoa bảng gồm Nguyệt Áng (Thanh Trì), Phú Thị (Gia Lâm), Chi Nê (Chương Mỹ) và Hạ Yên Quyết (Nam Từ Liêm) đều có từ 10 đến 11 vị đỗ đại khoa. Dù không nổi bật về số lượng, nhưng mỗi làng lại có một dấu ấn học vấn riêng biệt, phản ánh bản sắc địa phương rõ nét trong truyền thống trọng học.
Làng Nguyệt Áng từ thời Lê sơ đã có người đỗ đại khoa, đồng thời xây dựng được hệ thống lớp học, nhà thờ họ, văn chỉ riêng. Đặc biệt, nơi đây còn bảo tồn được nhiều bản hương ước cổ trong đó quy định cụ thể về trọng học, tôn sư trọng đạo, cấm mê tín dị đoan. Hàng năm, lễ hội rước bảng vàng, tế thầy đồ được tổ chức trang trọng tại đình làng. Người dân coi trọng đạo lý làm người, trong đó việc học là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất.
Phú Thị nơi sinh ra Trạng nguyên Nguyễn Thiến không chỉ nổi tiếng bởi người đỗ cao mà còn có truyền thống khao vọng văn. Người đỗ được cả làng rước kiệu, mặc áo mũ lễ, ghi tên lên bia đá lưu tại văn miếu làng. Nơi đây cũng được biết đến với nhiều dòng họ khoa bảng như họ Nguyễn, họ Đào. Trong gia phả của một số dòng họ, những người từng học giỏi, đỗ đạt dù không làm quan lớn vẫn được nhắc đến với lòng kính trọng.
Chi Nê (Chương Mỹ), một làng quê ven núi xa trung tâm Thăng Long, song vẫn nổi danh bởi truyền thống học hành bền bỉ. Nơi đây từng có hơn 10 người đỗ đại khoa, cùng nhiều hương cống và cử nhân. Các dòng họ như họ Nguyễn, họ Đặng, họ Lê đều có người đỗ đạt và truyền thống lập lớp học tại tư gia. Văn chỉ làng, đình làng và các nhà thờ họ đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều bức đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi đạo học và lòng kính trọng người thầy. Mỗi năm, lễ tế văn chỉ và nghi thức đọc gia huấn vào dịp đầu xuân được duy trì như một thông điệp về đạo lý: hiếu học là cội nguồn của thành nhân.
Hạ Yên Quyết (nay thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, trước đây thuộc huyện Từ Liêm) cũng từng được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt. Làng có hơn 10 vị đỗ đại khoa và nhiều cử nhân thời Lê – Nguyễn, nổi bật với các dòng họ Nguyễn, họ Lê có truyền thống học tập. Trong làng hiện vẫn còn văn chỉ, bia đá cổ và nhà thờ họ Nguyễn được bảo tồn. Những hoạt động khao vọng văn, tế thầy đồ và rước vinh quy vẫn được người cao tuổi địa phương nhắc lại như một phần ký ức văn hóa thiêng liêng. Học sinh các thế hệ hôm nay vẫn được kể chuyện về các cụ tổ từng thi Hội, thi Đình và đi dạy khắp vùng Bắc Kỳ.
Những làng quê này, dù trải qua biến thiên lịch sử, vẫn giữ được nét đặc trưng, sự học là danh dự, là chuẩn mực, là niềm tự hào. Lễ hội làng, lễ giỗ tổ, lễ rước văn... luôn gắn liền với hoạt động vinh danh người học, thể hiện rõ sự hòa quyện giữa văn hóa dân gian và tinh thần khoa bảng chính thống.
![]() | Kỳ 1: Dòng chảy tri thức từ đất thiêng Mỗi độ Xuân về, sân Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại rợp bóng áo trắng học trò. Không chỉ là di tích quốc gia ... |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại