Kỳ 2: Sự thiếu kiến thức, quá mê tín dẫn đến việc tự hại mình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThầy bói rởm Nguyễn Thanh Bình bị tuyên phạt 16 năm tù |
Người bị hại cũng đáng trách
Theo tài liệu, đầu tháng 4-2020, qua mạng xã hội, chị Ng, trú tại Hà Nội, nghe nhiều người giới thiệu đã quen biết với Nguyễn Mạnh Quân, SN 1987, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và kể lại triệu chứng của bản thân rằng thường xuyên bị mệt mỏi, tính khí thất thường và hay bị thay đổi sắc mặt theo giờ.
Nảy sinh ý đồ xấu, Quân tự nhận là “thầy pháp” rồi phán chị Ng có tiền duyên kiếp trước, có “vong” theo làm ảnh hưởng đến cuộc sống nên cần phải làm lễ. Tin lời, ngày 6-4, chị Ng đã chuyển 2 triệu đồng cho Quân qua tài khoản ngân hàng để làm lễ. Hôm sau, Quân tiếp tục yêu cầu chị Ng chuyển 3 triệu đồng để mua đồ lễ. Sau khi nhận tiền, Quân nói đã làm lễ cho chị Ng nhưng vẫn còn nhiều “vong” và bảo cô gái trẻ phải nộp thêm tiền.
Sau đó, “thầy pháp” tiếp tục phán chị Ng vẫn còn nhiều vong đi theo nên bảo chị phải nộp thêm hơn 38 triệu đồng để tiếp tục làm lễ. Tổng cộng số tiền người phụ nữ chuyển cho Quân là gần 70 triệu đồng. Đặc biệt, lợi dụng niềm tin của nạn nhân, Quân còn nảy sinh ý đồ bệnh hoạn khi phán chị Ng phải cho quan hệ tình dục, nếu không sau này lấy ai hay quan hệ tình cảm với ai thì sẽ chết yểu. Tin lời “thầy pháp”, chị Ng đã cho Quân quan hệ tình dục để “trừ tà ma”.
Sự việc bị bại lộ khi chị Ng. thấy Quân vòi vĩnh thêm 15 triệu đồng nữa. Lúc này biết bản thân bị lừa đảo nên người phụ nữ này đã báo CQCA. Tối 7-5, khi “thầy pháp” đến gặp chị Ng để nhận tiền thì bị lực lượng CA bắt giữ. CQĐT CA quận Hoàng Mai, Hà Nội đã khởi tố đối tượng Nguyễn Mạnh Quân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thậm chí có thầy bói còn khả ố đến mức yêu cầu bị hại gửi ảnh khỏa thân của họ phục vụ cho mục đích đen tối và những bị hại này phải đối mặt với nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, hay lừa cả tình và tiền. Cách đây chưa lâu CA quận Hai Bà Trưng cũng đã thụ lý một vụ thầy bói lừa tình “kinh điển”. Gã trai trẻ một lúc đóng hai vai, khiến cô gái phải dâng cả tình và tiền cho hắn. Gã chỉ bị vạch trần khi dùng ảnh nóng của cô gái để cưỡng đoạt tài sản của cô.
Với chiêu lừa cắt duyên âm, đối tượng Bùi Đăng Linh, SN 1991, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã dùng nickname là “Nam Nguyễn” để lừa được cả tiền và tình của chị Đàm Thị P, SN 1994, ở quận Long Biên, Hà Nội. Hành vi của Linh bị lật tẩy, khởi tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Linh sau đó đã phải lĩnh bản án 16 tháng tù giam.
Trả giá
Mấy năm gần đây, hàng loạt những vụ “thầy”, đọc dăm ba cuốn sách phong thủy rồi “xưng hùng, xưng bá”, lừa đảo tiền của người dân khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Những vụ “thầy” bị phanh phui và truy tố trước pháp luật về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là hiếm nhưng dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh những “tín đồ” mê muội. Tuy nhiên, “gieo gió ắt có ngày gặt bão”, những vụ “thầy” bị đưa ánh sáng pháp luật đều phải chịu hình phạt rất nặng.
Ngày 5-5, TAND tỉnh Nghệ An xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thanh Bình, SN 1959, trú xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, trong năm 2003 và khoảng thời gian từ năm 2012 đến 5-2019, với chiêu thức bói toán tử vi, xem phong thủy đất đai, nhà cửa, Nguyễn Thanh Bình đã thực hiện 6 vụ lừa đảo đối với 7 bị hại trên địa bàn các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Yên Thành, TP Vinh với tổng số tiền chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 27-5-2020, gã “thầy” đến nhà ông N.T.V và chị N.T.C, cùng trú xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An giới thiệu là thầy bói có tài phép. Bình nói rằng dưới nền nhà chị C có kho báu gồm 21 mâm vàng nhưng đang bị yểm nên chưa thể khai quật. Sau đó, khi ông V và chị B đào bới để kiểm chứng, Bình lợi dụng sơ hở bỏ vào hố đất vừa đào chiếc đĩa kim loại màu vàng và một tượng màu đồng rồi lấp đất lại.
Khi cha con ông C đào bới tiếp thì phát hiện các vật này. Lúc này, Bình ngăn việc đào bới và nói cần phải vào tòa thánh ở tỉnh Tây Ninh để làm lễ giải yểm, nếu tiếp tục khai quật mà không xin phép sẽ bị thánh “vật”, con cháu không làm ăn được. Bình yêu cầu chị C chuẩn bị 150 triệu đồng để đi làm lễ ở tòa thánh Tây Ninh. Chị C và ông V đưa trước cho Bình 33 triệu đồng. Bình đã sử dụng số tiền đó để tiêu xài.
Với chiêu thức trên, Bình đã lừa của một gia đình khác ở xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương 321 triệu đồng. Bình cũng khai lừa một phụ nữ ở huyện Yên Thành hơn 100 triệu đồng bằng cách hứa xin việc cho chị này.
Tại tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Bình khai do nợ nần lô đề, bài bạc nên đã lừa các bị hại thông qua yếu tố tâm linh, bói toán, phán trong nhà có kho báu với giá trị lớn cần được giải vong.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo có nhân thân xấu với 3 lần bị tòa các cấp tuyên phạt tù về tội đánh bạc và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Nguyễn Thanh Bình 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, tòa tuyên buộc Bình phải bồi thường cho bảy bị hại số tiền 1,2 tỉ đồng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, bói toán là một “nghề” không được Nhà nước công nhận, không được xã hội công nhận nên người hành “nghề” này, bản thân đã vi phạm pháp luật. Hơn nữa, lằn ranh giữa mê tín và lừa đảo trong “nghề” này rất mong manh.
“Tôi lấy ví dụ, khi một người dân đến xem bói và thấy những lời thầy phán là đúng thì họ rất tin tưởng và làm theo. Như vậy, việc làm này là hành vi mê tín dị đoan. Tuy nhiên, nhiều người thấy không đúng trong khi phải bỏ ra mấy chục triệu đồng để làm lễ thì họ cho rằng, đấy là lừa đảo. Vì lằn ranh của nó quá mong manh, nên khi nhiều người cảm thấy mình bị mất tiền oan nhưng lại không dám viết đơn tố cáo lên CQCA. Chính vì thế, các “thầy” đã lợi dụng tâm lý này của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Kỳ 1: Lật mặt các “thầy” lừa |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại