Thứ sáu 24/01/2025 04:09
Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến

Kỳ 3: Kỳ vọng sớm ban hành và có hướng dẫn cụ thể…

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Về vấn đề này, một số thẩm phán được hỏi đều đồng thuận cao với dự thảo quy chế. Tuy nhiên, theo những người “cầm cân nảy mực” cần phải có sự chuẩn bị chu đáo và đồng bộ…
Thẩm phán Nguyễn Sinh Thành, Chánh án TAND quận Ba Đình trao đổi với PV
Thẩm phán Nguyễn Sinh Thành, Chánh án TAND quận Ba Đình trao đổi với PV

Phù hợp xu thế của thời đại

Thẩm phán Trần Nam Hà, Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội, chia sẻ, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành tòa án. Mô hình xét xử trực tuyến phù hợp xu thế của thời đại công nghệ thông tin - chuyển đổi số cũng như trong tình hình phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Thẩm phán nêu, nếu xét xử trực tuyến, sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và có nhiều cái lợi trong xét xử. Ông Trần Nam Hà cũng cho rằng, xét xử trực tuyến nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc, các trình tự, thủ tục Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Tuy nhiên, việc xây dựng, chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện để áp dụng xét xử trực tuyến cũng có những vướng mắc, khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, các trại giam hoặc trại cải tạo.

Do đó, thẩm phán Nam Hà nêu, cần tổ chức thí điểm ở một vài Tòa án rồi nghiên cứu, đánh giá để triển khai đồng bộ. Ông Trần Nam Hà cũng cho biết, Hà Nội đã có đơn vị Tòa án đề xuất được xét xử trực tuyến đối với vụ án hình sự có bị cáo hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam của CA tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, vùng đang có dịch. Tuy nhiên, hiện TAND TC đang xin ý kiến của Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đang xây dựng dự thảo quy chế.

Xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam…

Trao đổi với PV, Chánh án TAND quận Ba Đình Nguyễn Sinh Thành cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, vụ án bị tồn đọng, bị quá hạn nhưng chưa được giải quyết do yêu cầu đặc biệt của việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid -19. TAND quận Ba Đình có khoảng 350 vụ án không thể tiến hành các hoạt động tố tụng, trong đó khoảng 150 vụ án không thể mở phiên tòa do yêu cầu của việc giãn cách xã hội.

Hình thức xét xử trực tuyến rất phù hợp với nhu cầu cấp thiết hiện nay và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (xu thế tất yếu trong thời đại số), phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp về xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể: Việc giải quyết vụ án không bị đình trệ do những tác động khách quan dẫn đến án quá hạn; tiết kiệm thời gian; chi phí cho Nhà nước, tổ chức và công dân trong tổ chức hoạt động xét xử; giảm bớt khó khăn cho công tác bảo vệ an ninh cho các phiên tòa; tăng cường sự giám sát của Nhân dân đối với hoạt động xét xử…

“Với những ưu điểm trên, chúng tôi rất mong TAND TC sớm ban hành “Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án”, trong đó hướng dẫn cụ thể những vụ án được lựa chọn để xét xử trực tuyến (căn cứ vào các yếu tố như: tính chất phức tạp, dịch bệnh, yếu tố địa lý…), cách thức tổ chức và trình tự phiên tòa xét xử trực tuyến, nội quy phiên tòa trực tuyến; sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ sở tạm giữ, tạm giam trong tổ chức xét xử trực tuyến… Song song với đó, cần có sự chuẩn bị tích cực đầu tư về cơ sở vật chất (phòng xét xử, trang thiết bị, đường truyền âm thanh và hình ảnh..” để có thể triển khai xét xử trực tuyến ngay sau khi Quy chế được ban hành” – Chánh án TAND quận Ba Đình chia sẻ.

Về vấn đề này, trước đó, Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi đã đưa quan niệm của thế giới về xét xử trực tuyến vào tờ trình. Thế giới trong khi quy định nguyên tắc xét xử trực tiếp thì họ vẫn thực hiện xét xử trực tuyến. Bởi họ quan niệm phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng cho phép bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng không nhất thiết phải có mặt chung ở một phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi, tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể”.

Tòa án điện tử đầu tiên được thành lập tại Hàng Châu vào năm 2015 nhưng vận hành chưa đến 100 vụ mỗi năm. Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã khiến nhà chức trách nghĩ lại. Từ 1-1-2020 đến ngày 31-5-2021, Trung Quốc đã xét xử online 1,28 triệu vụ án hình sự, hơn 6,5 triệu vụ tranh chấp dân sự và hòa giải thành công 6,14 triệu vụ.

Một phiên tòa video trực tuyến có thể có tối đa 8 người cùng lúc. Các bên sẽ được thông báo qua tin nhắn ngắn sau khi thẩm phán đặt lịch hẹn trực tuyến để xét xử có thể tham gia qua máy tính xách tay và ĐTDĐ. Các bên có thể quét mã QR để nhận tài liệu cần thiết.

Một phiên xét xử trực tuyến có ghi âm và video chỉ mất chưa đầy 40 phút trong khi phiên tòa thông thường phải mất ít nhất nửa ngày, theo thẩm phán Chen Shi, TAND ở Bắc Kinh, người chủ trì một trong những phiên tòa online đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 1-2020.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Cơ hội trong thách thức… Kỳ 2: Cơ hội trong thách thức…
Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động