Kỳ cuối: Lên phương án di dời dân ra khỏi vùng bảo vệ di tích lịch sử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgoài hộ ông Trịnh Đắc Chí còn 6 hộ khác có công trình nằm ngay trên đất được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: K.H |
Di dời dân trả lại hiện trạng di tích
Như PL&XH từng phản ánh, trong văn bản thời điểm tháng 6/2022 của ông Đỗ Đình Hồng, GĐ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, ngoài hộ ông Trịnh Đắc Chí còn có thêm 5 hộ dân khác gồm: Trịnh Đắc Vỹ, Nguyễn Thế Cung, hộ ông Thắng Hồng, hộ ông Việt, hộ ông Đỗ Thiện Thưởng và trường Mầm non La Phù cũng được UBND xã La Phù và UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay trên đất di di tích lịch sử cấp quốc gia là chùa La Phù hay còn gọi với tên gọi khác là chùa Trung Hưng.
Theo ông Đỗ Đình Hồng: “Việc những công trình trong khu vực này đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân là không tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa và các quy định của TP về di sản văn hóa”.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Hữu Khoa, Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết, sau khi đọc được nội dung trên PL&XH, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức yêu cầu lãnh đạo xã làm việc với báo, cung cấp thêm thông tin liên quan đến cụm di tích lịch sử đình- chùa La Phù. Theo ông Khoa, hiện số hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên khu vực I chùa La Phù là 7 hộ. Quan điểm của lãnh đạo UBND huyện và xã La Phù là phải di dời số hộ dân này ra khỏi khu vực I để trả lại hiện trạng di tích.
Cụ thể, UBND xã đã có: “Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo và khôi phục khuôn viên di tích chùa la Phù. Phần tu bổ bao gồm các hạng mục như Tam quan, Tam bảo, Nghi môn. Phần tôn tạo gồm: Tôn tạo nhà bia, nhà thờ Khổng Tử, tháp Phật, cổng phụ khu Tháp Phật, nhà sắp lễ, nhà bếp - tạo soạn, nhà kho, nhà vệ sinh, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật (sân vườn, tường rào, bo vỉa,...)
Phần khôi phục khuôn viên di tích chính là công việc lên phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư với 7 hộ dân. Tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng, trong đó kinh phí cho việc GPMB gần 9 tỷ đồng. Chủ đầu tư nhiều khả năng sẽ được UBND huyện chỉ đạo Ban quản lý DA huyện làm chủ đầu tư. Theo ông Khoa, tổng diện tích đất thu hồi phục vụ GPMB là 686m2. Tháng 10/2022, xã đã họp với 7 hộ dân, thông báo phương án di dời để các hộ dân được nói lên nguyện vọng, tâm tư của mình.
Ông Khoa cho biết, về đất tái định cư cho 7 hộ dân đang có 3 vị trí. Vị trí thứ nhất, khu Gốc đa, thôn Minh Khai; Vị trí thứ hai, khu DA đấu giá trạm bơm, thôn Độc Lập. Nếu chọn vị trí này thì phải làm thủ tục chuyển đất đấu giá thành đất tái định cư. Vị trí thứ ba thuộc khu tái định cư của huyện thuộc khu bơm tiêu Yên Nghĩa, xã Đông La.
Sau khi DA được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương và hoàn thành xác định ranh giới khu đất thu hồi ngoài thực địa, UBND huyện Hoài Đức ban hành quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thành lập tổ công tác… cuối cùng là công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chi trả tiền và bàn giao mặt bằng.
Trong báo cáo đề xuất DA tu bổ, tôn tạo và khôi phục khuôn viên di tích, sau khi 7 hộ dân được chuyển tới nơi ở mới thì vị trí này được quy hoạch cho hạng mục Tháp Phật, diện tích khoảng 90m2, 9 tầng, tổng chiều cao 11m.
Về chợ dân sinh nằm trong khuôn viên khu vực I cụm di tích đình- chùa La Phù, ông Khoa cho biết, tới đây xã sẽ có chợ mới xây dựng tại khu Gốc Dứa, thôn Quyết Tiến. Vị trí này gần trụ sở CA xã đang được quy hoạch xây dựng. Sau khi có chợ mới thì mọi hoạt động của chợ hiện tại phải dừng lại.
Cần tiến hành tu bổ, tôn tạo và khôi phục đồng bộ
Trao đổi với chúng tôi, đại diện các Ban Khánh tiết, khu dân cư… rất tán thành với phương án tu bổ, tôn tạo và khôi phục khuôn viên di tích. Tuy nhiên, hạng mục khôi phục khuôn viên di tích cần được làm cùng một lúc với các hạng mục tu bổ, tôn tạo. Điều đại diện Ban khánh tiết và khu dân cư băn khoăn, trong trường hợp các hộ dân không chịu chuyển đi, chính quyền lại gác phần di dời và chỉ tập trung vào các hạng mục tu bổ, tôn tạo. Như vậy, DA mới chỉ giải quyết được phần giải ngân, còn phần bảo vệ di tích lịch sử bị xâm hại theo luật định không được giải quyết triệt để.
Ông Nguyễn Hữu Khoa cho biết, cùng với các biện pháp pháp lý cần thiết, UBND xã sẽ tiến hành giải thích, vận động để các hộ dân đồng lòng với chủ trương chung.
Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, việc 7 hộ dân chấp thuận phương án GPMB, tái định cư là việc nên làm. Về mặt pháp lý, rõ ràng các hộ đang sống trong khu vực I, đặc biệt quan trọng của di tích, việc các cơ quan như Bộ Văn hóa, Cục Di sản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng nhiều sở ngành khác và người dân đều có trách nhiệm yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành thu hồi giấy chứng nhận QSD đất cấp cho các hộ dân. Nếu để đến lúc giấy chứng nhận bị cơ quan chức năng thu hồi thì câu chuyện vị thế của các hộ trong việc tái định cư sẽ không như bây giờ. Nếu đồng ý tái định cư ở vị trí khác, các hộ dân đã góp phần bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia. Di tích này phục vụ cho cộng đồng cả về tâm linh cũng như giáo dục về văn hóa, lịch sử cho các thế hệ.
Kỳ 3: Lạ lùng “sáng kiến” điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử | |
Kỳ 2: Cần làm rõ trách nhiệm? | |
Kỳ 1: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ rõ sai phạm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại