Thứ sáu 07/02/2025 00:07
Căn bệnh “ngáo quyền lực” của tiktoker tại Việt Nam và làn sóng tẩy chay

Kỳ cuối: Phản ứng của người dùng là yếu tố then chốt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Để bài trừ những “content bẩn”, những video lệch lạc câu view cũng như “điều trị” những tiktoker “ngáo quyền lực” không phải một sớm một chiều. Ngoài sự tự ý thức của người dùng mạng xã hội, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có những quyết sách nhằm làm trong sạch môi trường mạng.
Mỗi người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo và sáng suốt trong việc tiếp nhận thông tin
Mỗi người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo và sáng suốt trong việc tiếp nhận thông tin.

Phản ứng của người dùng là yếu tố then chốt

Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Tiktok là một mạng xã hội, cụ thể là bên trung gian, cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng nơi để lưu trữ, đăng tải, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ các hình ảnh, clip ngắn.

Tiktok có chính sách riêng được công khai về vấn đề kiểm duyệt và không cho phép đăng tải clip “theo cách có thể tạo ra xung đột lợi ích chẳng hạn như kinh doanh các đánh giá với những người dùng khác hoặc viết hoặc chào mời các đánh giá giả mạo” hoặc không cho phép đăng tải bất cứ tài liệu nào “bêu xấu và bắt nạt, hoặc cố ý quấy rối, gây hại, gây thương tổn, dọa nạt, làm đau khổ, làm xấu hổ hoặc gây phiền muộn cho người khác”.

Người dùng có thể sử dụng chức năng báo cáo với nền tảng khi phát hiện các video vi phạm chính sách. Và lẽ dĩ nhiên, bởi sự ảo tưởng quyền lực của những người làm nội dung hiện nay một phần đến từ người dùng. Vì vậy, phản ứng của người xem mới là yếu tố then chốt quyết định đến sự lan rộng hay thu hẹp của việc ảo tưởng quyền lực mạng.

Sự ảo tưởng quyền lực của nhiều Tiktoker rất cần liệu pháp điều trị hữu hiệu chính là thái độ cương quyết của công chúng, người dùng mạng xã hội: mạnh dạn tẩy chay, bài trừ nội dung “bẩn”, cùng báo cáo tài khoản “bẩn”!

Và để hạn chế việc lạm dụng quyền lực mạng để tấn công người khác và làm sạch hơn môi trường Internet, đặc biệt là mạng xã hội, nên chăng mỗi người dùng mạng xã hội nên tỉnh táo và sáng suốt trong việc tiếp nhận thông tin được người dùng khác chia sẻ một cách khách quan, có kiểm chứng.

Về phía các cơ sở kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân, tổ chức, DN luôn được pháp luật bảo vệ. Do đó, họ cũng hoàn toàn có “quyền lực” đối với TikToker vi phạm, bằng việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc khởi kiện dân sự yêu cầu cải chính, bồi thường thiệt hại hoặc tố giác tội phạm đến các cơ quan điều tra.

Trong Hội nghị đối thoại với thanh niên hồi tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, về việc “dọn rác” trên không gian mạng có nhấn mạnh: “Làm cho không gian mạng lành mạnh, trong sạch thì não người được "thở" thứ không khí trong lành. Khi chúng ta đọc tin tức giống như là chúng ta thở, não chúng ta thở.”

Trên không gian mạng có cái tốt và cái xấu, tạm gọi tin sai sự thật, tin xấu độc trên không gian mạng là rác. Vậy chúng ta sẽ xử lý rác như thế nào, theo Bộ trưởng, trước đó, đã có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, đã ban hành một nghị định xử lý hành chính các vi phạm này, cao hơn là xử lý hình sự.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, không gian mạng lành mạnh nếu nó là nơi tỉ lệ tin xấu độc thấp. Nếu chúng ta đưa được nhiều tin tốt đẹp trong cuộc sống lên không gian mạng thì tỉ lệ xấu này giảm đi. Đây là việc của tất cả chúng ta, đặc biệt là thanh niên, vốn là công dân số từ khi sinh ra.

Và rõ ràng, những hành động của cộng đồng mạng trong thời gian qua, các phòng trào anti hay tẩy chay các tiktoker, những nội dung lệch chuẩn, những “content bẩn” phần nào đã minh chứng cho những nhận định trên. Việc kiên quyết của người dùng, việc nhìn nhận, phân tích một cách rõ ràng, không tiếp tay với những trào lưu độc hại sẽ tự khiến các cá nhân đang “ngáo” trên mạng xã hội chùn tay…

Các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Cùng với sự quay lưng của chính những người đang sử dụng mạng xã hội, những biện pháp kiên quyết của các cơ quan chức năng, củng cố lại hệ thống pháp luật và có những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa của pháp luật sẽ khiến mạng xã hội trong sạch, bớt độc hại…

Tại cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố nhiều hành vi vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam, đặc biệt là trên nền tảng TikTok. Theo đó, các nội dung sai lệch xuất hiện ngày càng nhiều trên nền tảng TikTok thời gian gần đây.

Trong các vi phạm đó, đáng kể đó là TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.

TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.

TikTok cũng không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…

Đặc biệt, trong những sai phạm của TikTok tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cũng cho biết, TikTok không quản lý hoạt động của các Idol TikTok nên để nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo trend để thu lời từ những nội dung này.

Ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, hệ lụy của những sai phạm trên dẫn tới TikTok đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội.

Bên cạnh đó, nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Những vi phạm này khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp; đồng thời khiến nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ đã phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Kỳ 1: Khi TikToker “ngáo quyền lực”
Kỳ 2: Cộng đồng quá dễ dãi với những sai phạm của các TikToker
Kỳ 3: Làn sóng “tẩy chay” của cộng đồng mạng
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động