Thứ sáu 24/01/2025 00:40

Lao động sang Campuchia làm việc: Cần có chế tài mạnh mới đủ sức răn đe

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Câu chuyện 42 người Việt Nam trốn thoát khỏi casino Campuchia, vượt sông về Việt Nam tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh về câu chuyện làm công xứ người…
Nhóm người chạy trốn khỏi casino ở Campuchia
Nhóm người chạy trốn khỏi casino ở Campuchia

Bỏ qua những cảnh báo

Sáng 18/8, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang đã bắt giữ 40 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Những người này cho biết, họ tổng cộng có 42 người trốn khỏi một casio tại Campuchia, bơi qua sông để về nước. Trong quá trình trốn chạy, có một người bị nước cuốn mất tích, một người bị casino bắt lại. Ngày 20/8, thi thể người mất tích đã được tìm thấy gần cầu C3 trên sông Bình Di, huyện An Phú. Nhóm người này khai, trước đó đã trốn sang Campuchia làm việc tại một số casino. Công việc của họ làm là tham gia vào một game online, lên các trang mạng và làm theo chỉ đạo của casino.

Kể về cuộc sống khi làm việc tại casino, đa phần những người được hỏi trong số người này đều miêu tả về một cuộc sống tựa như địa ngục trần gian. Việc bị áp bức, bóc lột sức lao động, bị bạo hành và đối xử thô bạo là những thứ họ nhận được sau lời hứa hẹn sẽ giới thiệu một công việc “việc nhẹ, lương cao” tại Campuchia của các đối tượng môi giới.

Thực tế, đây là câu chuyện không còn mới mẻ khi mà năm 2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã ra lời cảnh báo. Theo đó, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã nhận được nhiều thông tin về việc công dân Việt Nam bị lôi kéo, bị lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc cơ sở game online. Thủ đoạn của các đối tượng này cũng được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nêu rất rõ. Đó là chiêu bài đưa thông tin quảng cáo về công việc nhẹ nhàng, lương cao ở Campuchia (800-1000 USD/tháng), sau khi nạn nhân đồng ý muốn làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia.

Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng. Tại đây, họ sẽ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo các khách hàng tham gia đánh bạc trên mạng. Các nạn nhân bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động, bị cưỡng bức làm việc (từ 15-16 tiếng/1 ngày) nếu không sẽ bị đối xử tồi tệ. Nhiều người đã bị tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc, giam giữ. Những người từ chối làm việc và muốn quay trở về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn đô la (1.000-8.000 USD) mới được thả hoặc bị bán cho Cty khác.

Tiếp tục vào tháng 7/2022, trước tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động, làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng… Bộ Công an cũng ra các cảnh báo tương tự. Theo đó, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao…

Bộ Công an cũng chỉ rõ, các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Bà Vẹt – tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay – tỉnh Poipet; TP Shihanoukvile - tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom – tỉnh Kandal và tại TP Phnom Penh. Cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia.

Cần xử lý mạnh tay với kẻ dẫn dụ

Trong 06 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. Cũng theo thông tin từ Bộ Công an, việc giải cứu những lao động này không hề dễ dàng vì sự vụ đều ở bên kia biên giới.

Tuy nhiên, cả một thời gian rất dài với các cảnh báo nhưng vẫn có những người Việt Nam tin tưởng và bất chấp ôm mộng với công việc ở bên đất khách hy vọng có cơ hội đổi đời. Và càng vô cùng khó hiểu khi mà mới đây, câu chuyện của 42 công dân Việt trốn khỏi casino Campuchia tìm về nước mẹ đang ầm ĩ, nhưng ở các nhóm “bất đắc chí” trên mạng xã hội vẫn hiển hiện công khai những lời mời gọi sang Campuchia để… kiếm tiền đổi đời. Phải chăng chế tài xử lý những chân rết dẫn dụ, lừa đảo việc nhẹ, lương cao vẫn chưa đủ răn đe?!

Về câu chuyện này, theo luật sư Bùi Quang Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội ngoài việc tuyên truyền cũng cần phổ biến thật rộng rãi chế tài xử lý những đối tượng môi giới, dụ dỗ người sang Campuchia làm việc. Việc xử lý triệt để những “chân rết” để dẫn dụ, lừa đảo người khác sang làm việc với lời hứa hẹn việc nhẹ, lương cao là việc hết sức cần thiết. Và đây phải được xác định là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và có hình thức xử lý thật nghiêm khắc mới đủ sức răn đe.

Luật sư Thu phân tích, bởi theo Luật Phòng chống mua bán người thì việc mua bán người có thể được hiểu là việc chuyển giao, đưa người đến nơi khác trong nước hoặc nước ngoài thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hay những hình thức ép buộc khác bằng thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt, đe dọa ép buộc, lợi dụng quyền hành, bắt cóc, xin con nuôi, môi giới hôn nhân trá hình… với mục đích bóc lột sức lao động, lợi dụng tình dục của nạn nhân, trục lợi...

“Theo khái niệm này thì hành vi dụ dỗ người khác đi làm việc ở nước ngoài theo kiểu “việc nhẹ lương cao" là hành vi bất hợp pháp bị nghiêm cấm, có dấu hiệu của lừa đảo, mua bán người” – luật sư Thu nói.

Trong trường hợp có người thân bị các đối tượng dụ dỗ lừa xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc thì liên hệ với CQCA gần nhất để trình báo sự việc hoặc có thể gọi tổng đài quốc gia 111; Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài: +84981.84.84.84. Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, người dân cần thông báo cho người thân và trình báo ngay cho CQCA để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Cảnh giác với bẫy "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia
Đừng bao giờ tin “việc nhẹ, lương cao”!
Hải Phòng: Cảnh báo bị cưỡng bức lao động khi sang Campuchia tìm việc
Cảnh giác với bẫy lừa đảo từ “việc nhẹ lương cao”
Thông tin mới vụ 42 người Việt tháo chạy khỏi casino ở Campuchia
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động