Thứ tư 16/04/2025 17:15

Luật Thủ đô 2024: đột phá thể chế để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024, mở ra bước ngoặt quan trọng cho Hà Nội trong hành trình phát triển thành đô thị hiện đại, xanh và thông minh. Với nhiều cơ chế đặc thù về tài chính, quy hoạch và đầu tư. Luật được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về thể chế, huy động mạnh mẽ các nguồn lực tài chính cho Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024: đột phá thể chế để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển Thủ đô
Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ tạo đột phá về thể chế, huy động mạnh mẽ các nguồn lực tài chính cho Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng

Phân cấp mạnh mẽ tạo quyền tự chủ cho Hà Nội

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật Thủ đô 2024 là cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Luật đã tháo gỡ những rào cản hành chính vốn khiến Hà Nội nhiều năm qua phải “trông chờ” vào Trung ương trong việc quyết định các dự án đầu tư lớn. Với quy định tại khoản 5 Điều 9 và Điều 14, chính quyền Thủ đô từ Hội đồng Nhân dân đến Ủy ban Nhân dân các cấp được trao thêm thẩm quyền và trách nhiệm trong việc ra quyết định về những vấn đề đặc thù của Hà Nội.

Theo đó, thay vì phải xin chủ trương đầu tư từ Chính phủ cho từng cây cầu hay dự án hạ tầng lớn, Hà Nội hoàn toàn có thể chủ động xét duyệt và thực hiện các dự án cấp thiết phù hợp với quy hoạch, nhất là khi đang mở rộng đô thị và thành lập các quận mới ở vùng ven. Sự chủ động này không chỉ rút ngắn quy trình hành chính mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính.

Bên cạnh việc trao quyền, Luật Thủ đô 2024 còn khẳng định tầm nhìn dài hạn khi thiết lập khung pháp lý để Hà Nội huy động tối đa nguồn lực tài chính, giảm dần phụ thuộc vào ngân sách Trung ương.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Văn Cường khẳng định: “Hà Nội có vai trò trung tâm, động lực lan tỏa phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Để đạt mục tiêu đến năm 2030 ngang tầm các thủ đô trong khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 đạt trình độ của thủ đô các nước phát triển, Hà Nội cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Muốn vậy, cơ chế huy động và khai thác nguồn lực bên trong lẫn bên ngoài phải thực sự linh hoạt và đặc thù”.

Đây là quan điểm nhận được sự đồng thuận cao từ giới chuyên môn và doanh nghiệp. “Hà Nội không thiếu tiềm năng thu hút vốn. Vấn đề là tạo lập được môi trường pháp lý đủ hấp dẫn và ổn định để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn dài hạn. Luật Thủ đô 2024 đã có bước tiến rất xa trong việc tạo cơ chế bảo vệ lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư” - ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định.

Một điểm mới rất đáng chú ý là của Luật Thủ đô 2024, cho phép ngân sách TP được giữ lại tối đa các khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội. Đây là một “cú hích” tài chính lớn cho Thủ đô, đặc biệt trong bối cảnh năm 2023, tổng thu ngân sách Hà Nội vượt 400.000 tỷ đồng, trong đó thu từ đất chiếm khoảng 15–18%. Còn theo Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, tiến sĩ Lê Duy Bình, quy định này sẽ cho phép Hà Nội chủ động hơn trong cân đối ngân sách và dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị. Không những vậy, Luật còn cho phép TP khai thác giá trị gia tăng từ đất đai, đặc biệt là từ các khu vực phát triển theo mô hình đô thị TOD (Transit-Oriented Development) – định hướng phát triển gắn với hệ thống giao thông công cộng.

Tiến sĩ Lê Duy Bình cũng nhấn mạnh rằng, nguồn thu từ đất nếu được quản lý hiệu quả sẽ là một động lực tài chính bền vững, giúp Hà Nội không phải trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương. Điều quan trọng là cần minh bạch hóa quy trình đấu giá, cấp quyền sử dụng đất, và giám sát chặt chẽ để đảm bảo nguồn lực được sử dụng đúng mục tiêu phát triển bền vững.

Mô hình TOD được kỳ vọng sẽ trở thành nền tảng cho phát triển đô thị Hà Nội trong tương lai. Theo đó, TP sẽ quy hoạch và đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, từ đó hình thành các trung tâm thương mại dịch vụ, công viên, công trình công cộng quanh các nhà ga, tạo nên những trục phát triển mới.

“TOD không chỉ giúp phát triển hạ tầng đô thị một cách bài bản, hiện đại, mà còn tạo ra nguồn thu lớn từ giá trị đất tăng lên. Khi thu được giá trị này, TP có thể tái đầu tư trở lại cho các tuyến đường sắt và hạ tầng khác. Đây chính là mô hình xoay vòng vốn hiệu quả, giúp giảm áp lực ngân sách Nhà nước mà vẫn đảm bảo tốc độ phát triển” - Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Văn Cường phân tích.

Trong bối cảnh Hà Nội đang đặt mục tiêu phát triển 10 tuyến đường sắt đô thị vào năm 2030, việc áp dụng mô hình TOD là chìa khóa then chốt để thu hút vốn đầu tư tư nhân. Đồng thời, tái cấu trúc không gian đô thị theo hướng bền vững và hiệu quả. Mô hình này cũng sẽ góp phần cải thiện chất lượng sống đô thị, giảm ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Mở ra cơ chế ưu đãi đầu tư mạnh mẽ

Luật Thủ đô 2024 cũng mở ra cơ chế ưu đãi đầu tư mạnh mẽ. Cụ thể, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các lĩnh vực được ưu tiên sẽ được miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ lãi suất trong một thời gian nhất định. Điều này sẽ tạo ra “hạ tầng mềm” hỗ trợ hạ tầng cứng. Đồng thời, tăng sức hấp dẫn cho Hà Nội trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư.

Những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Thủ đô 2024 bao gồm: công nghiệp bán dẫn, công nghệ điện tử tích hợp, công nghệ cao, đường sắt đô thị và các ngành công nghệ lõi khác. Đây đều là các ngành có tính dẫn dắt, tạo động lực tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và phù hợp với định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng của TP.

“Muốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, Hà Nội cần có chiến lược thu hút đầu tư bài bản, gắn với lợi thế vốn con người, hạ tầng và vị trí địa lý. Luật Thủ đô 2024 đang mở ra cơ hội để TP làm điều đó một cách chủ động và bền vững” - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận xét.

Việc đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng không chỉ nhằm giải quyết bài toán giao thông đô thị mà còn giúp giảm ô nhiễm, cải thiện chất lượng sống cho người dân. Các khu đô thị mới theo mô hình TOD sẽ dành nhiều không gian cho cây xanh, công trình công cộng, thay vì phát triển dày đặc và manh mún.

Khi những “trục phát triển” mới được hình thành, dòng vốn đầu tư sẽ lan tỏa đến các vùng ven, kéo theo sự phát triển đồng bộ về nhà ở, dịch vụ, giáo dục và y tế. Như vậy, mục tiêu xây dựng Hà Nội “văn minh – hiện đại – xanh – thông minh” không còn là khẩu hiệu mà dần trở thành hiện thực.

Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 cũng cho phép TP thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội trong quy hoạch không gian, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số trong quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ công. Điều này tạo tiền đề để Hà Nội trở thành hình mẫu đô thị sáng tạo, bền vững trong khu vực.

Luật Thủ đô 2024 không đơn thuần là một luật riêng biệt cho một địa phương. Đây là bước đột phá thể chế, tạo tiền đề để Hà Nội phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Từ việc phân cấp mạnh mẽ, cơ chế giữ lại nguồn thu, đến các chính sách ưu đãi và mô hình TOD hiện đại, Luật đã trao cho Hà Nội một công cụ pháp lý đầy tiềm lực.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Tập trung đầu tư nguồn lực để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu, đặc trưng của Hà Nội
Khung pháp lý vượt trội và linh hoạt cho Hà Nội
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động