Thứ sáu 24/01/2025 03:42

Mọi vụ việc khi dùng tình cảm thì đều giải quyết được

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
"Công tác hoà giải không khó nhưng cũng không đơn giản bởi nếu không nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm hời hợt thì không giải quyết được. Mình sống trong thôn, xóm cơ bản nhất là duy trì được tình cảm con người. Nếu đã có được tình cảm, đánh vào tình cảm thì không việc gì khó cả", ông Nguyễn Hữu Khẩn, tổ hoà giải Mễ Trì Hạ chia sẻ.
Mọi vụ việc khi dùng tình cảm thì đều giải quyết được
Ông Nguyễn Hữu Khẩn chia sẻ, với những vụ việc liên quan đến quyền lợi của mọi người thì phải phân xử thấu tình, đạt lý (ảnh P.C)

Suốt nhiều năm nay, hễ trong thôn/tổ dân phố có vụ việc gì thì mọi người lại ông Nguyễn Hữu Khẩn, sinh năm 1953, Tổ trưởng tổ hoà giải số 4, tổ dân phố Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội đến để "phân xử".

Ông Khẩn cho biết, từ những năm 1998 khi chưa tham gia vào tổ hoà giải nhưng ông đã thực hiện công việc của một hoà giải viên, bởi lúc bấy giờ ông làm công an viên nên hễ làng xóm có chuyện cãi cọ, xích mích là ông lại đứng ra phân giải cho đôi bên.

"Hầu hết các vụ việc sau khi tôi đứng ra phân tích cho đôi bên mọi người đều đạt được thoả thuận rồi vui vẻ bắt tay nhau. Với những vụ việc liên quan đến quyền lợi của 2 bên thì phải sao cho thấu tình đạt lý. Mình làm mọi việc đều xuất phát từ cái tâm với dân làng, biết thì trao đổi, chia sẻ với mọi người. Hơn nữa bản thân tôi tiếng nói có chất lượng nên mọi người rất tin tưởng", ông Khẩn chia sẻ.

Từ sự tin tưởng của mọi người trong tổ dân phố, năm 2004 ông Khẩn đã tham gia vào tổ hoà giải với vai trò thành viên. Đến năm 2020, ông trở thành Tổ trưởng Tổ hoà giải số 4, Tổ dân phố Mễ Trì Hạ.

Một trong những "bí quyết" để tiến hành hoà giải thành công, theo ông chính là cặn kẽ tìm hiểu căn nguyên của mỗi sự việc. Khi đã hiểu được nguyên nhân thì biết bên nào đúng, bên nào sai từ đó đi sâu tâm lý các hộ gia đình để thuyết phục. Nếu không đi sâu tâm lý thì không thể giải quyết được ngọn nguồn.

So với giai đoạn trước kia thì các vụ việc xích mích liên quan đến tình cảm nhiều, nhưng giai đoạn hiện nay chủ yếu liên quan đến quyền lợi các bên. Khi không đạt được thoả thuận thì họ gửi đơn đến chính quyền. Với những vụ việc liên quan đến quyền lợi thì tổ hoà giải làm sao phải đưa ra phương án để đảm bảo hài hoà giữa 2 bên.

Về lý thuyết thì như vậy, nhưng bắt tay vào từng vụ việc lại không đơn giản. Ông Khẩn cho biết, năm 2020 ông cùng tổ hoà giải đã thực hiện hoà giải thành công vụ việc giữa 2 hộ gia đình tranh chấp ngõ đi chung. Nguyên nhân do người mua mới không nắm được nguồn gốc của đất, lúc xây nhà thì hàng xóm rào lại không cho đi nên đã đâm đơn kiện.

Mọi vụ việc khi dùng tình cảm thì đều giải quyết được
Trước mỗi vụ việc, ông Khẩn cùng tổ hoà giải đều nghiên cứu kỹ hồ sơ để phân tích, đưa ra phương án hợp lý cho đôi bên (ảnh P.C)

Nhận hồ sơ, ông cùng các thành viên trong tổ đã nghiên cứu kỹ và nắm rõ được hồ sơ khu đất. Trên cơ sở đó, tổ hoà giải đã giải thích cặn kẽ cho người mua hiểu được ngõ đi này vốn là của nhà đối diện, từ trước khi có bản đồ. Sau khi giải thích rõ và đưa ra những chứng cứ xác thực, cũng như với tinh thần hài hoà lợi ích đôi bên thì họ đã chấp nhận rút đơn, đi đến thoả thuận với nhau và sử dụng chung ngõ.

"Ban đầu 2 bên đều rất căng thẳng, đối đầu nhau. Người có đất đòi hàng xóm phải trả 200 triệu đồng thì mới cho đi chung ngõ. Nhưng sau khi tổ hoà giải đứng ra phân tích là lấy tình làng nghĩa xóm làm đầu, mỗi người nhường đi một ít thì 2 bên đã đạt được thoả thuận, giảm xuống còn 170 triệu đồng. Cả 2 bên người mất tiền lẫn người bỏ ngõ đi chung đều vui vẻ", ông Khẩn kể lại.

Khi hoà giải vụ việc thành công, mọi người vui thì đương nhiên những hoà giải viên cũng cảm thấy vui mừng vì hồ sơ đã được khép lại, không bị đẩy đi xa hơn. Niềm vui ấy của ông Khẩn trong "nghề" hoà giải còn đứng ra phân xử thành công một vụ việc xô xát giữa một người nam và một người nữ.

"Hôm ấy buổi tối khi tôi đang ở nhà thì nghe mọi người gọi lên trụ sở gấp vì có vụ đánh nhau giữa một người con trai và một người con gái. Người con gái bị đánh tím mặt, gia đình làm căng muốn đưa vào hồ sơ, muốn kiện.

Lúc ấy tôi làm công an viên nhưng kết hợp hoà giải, đã phân tích cái sai của 2 bên. Sau khi nghe xong thì người con trai kia đã xin lỗi và bồi thường tiền thuốc. Sau đó 2 bên vui vẻ bắt tay chào nhau về. Tôi cảm thấy mình đã thành công để người ta vui vẻ chứ không đẩy sự việc đi lên", ông Khẩn kể lại đầy hứng khởi.

Cứ thế, với năng lực cũng như nhận thức của cá nhân muốn được giúp đỡ cộng đồng, ông Khẩn đã gắn bó với vai trò hoà giải để góp phần tuyên truyền cho nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật; vận động giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư để người dân trong tổ dân phố sống vui vẻ và hạnh phúc.

Theo ông Khẩn, muốn hoà giải thành công thì lúc nào công tác tuyên truyền cũng phải đi trước. Nói chung công tác hoà giải không khó nhưng cũng không đơn giản bởi nếu không nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm hời hợt thì không giải quyết được.

"Mình sống trong thôn, xóm cơ bản nhất là duy trì được tình cảm con người. Nếu đã có được tình cảm, đánh vào tình cảm thì không việc gì khó cả. Nhiều khi mọi người cứ bảo éo le nhưng tôi nghĩ không có gì éo le, mình cứ đi sâu tâm lý để giải quyết thì không có việc gì khó. Mình không yêu cầu cái này cái khác hay vấn đề kinh tế, tiền nong mà làm vì cái tâm với xóm làng thì mọi người sẽ tin tưởng", ông Khẩn bộc bạch.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động