Mục đích, yêu cầu của Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự thuộc Bộ Y tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh hoạ |
Hỏi: Tôi được biết, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành vừa ban hành quyết định về Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự thuộc Bộ Y tế. Xin quý báo cho biết mục đích, yêu cầu của Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự thuộc Bộ Y tế?
(Trần Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của quý độc giả, xin trả lời như sau:
Ngày 6/2/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 299/QĐ-BYT về Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự thuộc Bộ Y tế. Theo đó, mục đích, yêu cầu của Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự thuộc Bộ Y tế như sau:
Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự của Bộ Y tế quy định việc tiếp nhận, triển khai việc giám định tư pháp theo vụ việc theo trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng: cơ quan điều tra, VKSND, Tòa án (Cơ quan trưng cầu giám định) thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế nhằm thống nhất việc thành lập Hội đồng giám định, trình tự thủ tục hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp theo vụ việc tại các Vụ/Cục/đơn vị thuộc Bộ Y tế.
Hoạt động Giám định tư pháp phải độc lập, khách quan, trung thực; các thành viên Hội đồng giám định phải đảm bảo về tính chính xác, khách quan, hợp pháp trong kết luận Giám định tư pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định phải giữ bí mật, không được tiết lộ nội dung thông tin, tài liệu, kết luận giám định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền.
Thời hạn Giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.
Thời gian trong quy trình giám định được tính là ngày làm việc, không tính ngày nghỉ, nghỉ Lễ, nghỉ Tết theo quy định. Thời gian giám định thực hiện theo Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 được bổ sung bởi khoản 16 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020.
Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.
Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự thuộc Bộ Y tế
Quy trình Giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự thuộc Bộ Y tế bao gồm 5 bước như sau:
- Bước 1: Tiếp nhận Quyết định trưng cầu giám định tư pháp theo vụ việc trong tố tụng hình sự
- Bước 2: Thành lập Hội đồng giám định theo vụ việc
- Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, kế hoạch lộ trình thực hiện
- Bước 4: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, thực hiện việc giám định
- Bước 5: Kết luận giám định.
Phạm vi áp dụng của quyết định này - Áp dụng đối với hoạt động giám định tư pháp tại các Vụ/Cục/đơn vị thuộc Bộ Y tế. - Áp dụng đối với hoạt động giám định tập thể do 02 người trở lên thực hiện (khoản 1, Điều 28, Luật Giám định tư pháp). - Hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc được thực hiện bởi Hội đồng giám định do Bộ Y tế ban hành Quyết định thành lập. - Quy trình này được áp dụng sau khi Bộ Y tế đã thực hiện việc công nhận và công bố danh sách người giám định theo vụ việc, tổ chức giám định theo vụ việc của Bộ Y tế. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại