Thứ năm 23/01/2025 14:00
Vụ bé gái 2 tuổi chậm phát triển bị cô giáo tát:

Nếu chưa hiểu hết những nhạy cảm của công việc, xin đừng làm giáo viên mầm non

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lại tiếp tục thêm một vụ giáo viên mầm non dùng tay đánh liên tiếp vào mặt một bé gái 2 tuổi được đưa ra dư luận.
Nếu chưa hiểu hết những nhạy cảm của công việc, xin đừng làm giáo viên mầm non
Hình ảnh giáo viên mầm non dùng tay tát mạnh vào mặt bé gái 2 tuổi chậm phát triển. Ảnh cắt từ clip

Giáo viên mầm non dùng tay đánh liên tiếp vào mặt bé gái 2 tuổi

Theo hình ảnh camera được đăng tải, sự việc diễn ra trong khoảng 17 giây. Video thể hiện hình ảnh một cô giáo và bé gái đang ngồi học. Thời điểm dạy học, cô giáo có cầm điện thoại, sau đó, cô đặt điện thoại xuống và dùng tay tác động mạnh vào mặt và liên tục đánh bé gái mặc cho bé gái gào khóc.

Lúc đánh xong, vị giáo viên này đứng dậy và bế bé đi vào một phòng khác. Thông tin được xác minh xảy ra tại trung tâm giáo dục hoà nhập BTX ở Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Liên quan đến sự việc, tối 7/9, Phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai cho biết, cô L.T.T - người trực tiếp tát vào mặt bé gái 2 tuổi đã bị cho nghỉ việc.

Đồng thời, Trung tâm giáo dục hòa nhập BTX cũng tạm dừng hoạt động để phối hợp với cơ quan chức năng phục vụ công tác điều tra, xác minh làm rõ vụ việc theo quy định.

Cụ thể, bé gái trong video nêu trên có dấu hiệu chậm nói nên gia đình cho bé đi học can thiệp tại cơ sở nêu trên từ cuối tháng 2/2023, đến cuối tháng 8 gia đình phát hiện con bị cô giáo đánh.

Theo gia đình, việc giáo viên T đánh cháu chỉ được gia đình phát hiện vào thời điểm gần cuối tháng 8/2023 khi con từ lớp trở về vẫn khóc và tâm lý sợ sệt. Sau đó, gia đình phải làm việc với chủ cơ sở, dẫn theo nhân viên kỹ thuật và yêu cầu kiểm tra camera thì phát hiện cháu bé bị cô giáo đánh liên tiếp vào mặt.

Trong bản tường trình cô T viết, sự việc xảy ra vào hôm 11/8, trong tiết dạy ngoài giờ kéo dài một tiếng đồng hồ. “Trong quá trình dạy, tôi mất kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi cá nhân do áp lực về mục tiêu bài dạy đề ra nên đã không kiềm chế được và có tác động vào trán trẻ mấy lần với lực tay hơi mạnh”, cô T tường trình.

Sau khi đánh bé gái, cô T bế bé vào phòng và để bé gái ngồi vào lòng dỗ dành và tiếp tục dạy cho đến hết giờ. Cô T cũng thừa nhận, trong quá trình dạy, cô có sử dụng kỹ thuật dạy luyện khẩu hình - luyện cơ quan cấu âm tới hàm và vòng họng hơi mạnh tay.

“Tôi nhận thấy rằng, hành vi của mình quá sai, nên khi được hỏi lại sự việc, tôi hoảng loạn và lo sợ sự khiển trách từ phía lớp học, cũng như sự trách mắng và dằn vặt của chính bản thân tôi, nên tôi chưa xử lý tốt được ngôn từ cũng như hành vi của mình trước phụ huynh cũng như chủ nhiệm lớp", cô T viết.

Nếu chưa hiểu hết những nhạy cảm của công việc, xin đừng làm giáo viên mầm non
Hai bảo mẫu Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành trong vụ bạo hành bé trai 17 tháng tuổi trong phiên xét xử hồi tháng 8. Ảnh: N.D

Muốn yêu thương trẻ, ngoài trí tuệ còn cần có phương pháp đúng

Thực tế sự việc các cô giáo mầm non hay các cô giáo dạy trẻ cần can thiệp đặc biệt bạo hành, đánh trẻ xảy ra rất nhiều trong thời gian qua. Có nhiều vụ việc bạo hành xuất phát chỉ từ ý chí cho trẻ nín khóc, hoặc trẻ ngoan hơn trong thời gian trên lớp. Nhưng từ những hành động phản giáo dục đó thực tế đã gây ra nhiều hậu quả rất nghiêm trọng.

Bị tát vào mặt liên tục, bị cào, véo, đá, đạp; bị dán băng keo vào miệng; bị ép trút sữa vào miệng, bị ném xuống sàn; bị tát, đấm đá… Những gương mặt đầm đìa nước mắt, những tiếng khóc thét đầy sợ hãi của các bé trong các video thời gian qua khiến những trái tim của bậc làm cha mẹ như muốn nghẹt thở.

Thế nhưng, không ít giáo viên mầm non nghĩ đơn thuần chuyện đánh, nhéo, trói tay chân, dán băng keo vào miệng trẻ sẽ theo thời gian lành lặn mà không ảnh hưởng gì. Họ không ý thức được những hành động đó còn là những dạng bạo hành về tâm lý và trẻ sẽ bị ám ảnh suốt đời. Đồng thời, cũng nhiều người không hiểu rằng, đánh đập, bạo hành trẻ em đã vi phạm nghiêm trọng đến Hiến pháp, đến Quyền được bảo vệ... của trẻ em.

Gần đây, TAND TP Hà Nội liên tiếp xét xử các vụ việc liên quan đến những người trông trẻ, nhiều hình phạt tù khá nặng được đưa ra. Đơn cử ngày 6/9, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Thế Vũ (29 tuổi) 15 năm tù, Đoàn Diệu Linh (27 tuổi, vợ của Vũ) 16 năm tù cùng về tội "Giết người" liên quan đến việc bạo hành bé gái hơn 1 tuổi. Hay trước đó, trong phiên tòa xét xử Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành trong vụ bạo hành bé trai 17 tháng tuổi khi trông giữ nạn nhân tại cơ sở tự phát khiến cháu này tử vong. Một án chung thân và một án tù 20 năm đã được đưa ra cho những kẻ bạo ác này.

Tuy nhiên việc đưa ra xét xử và những án dù có nặng đến mấy cũng không phải là giải pháp tận gốc. Bởi thiết nghĩ, làm nghề giáo viên mầm non hay trông trẻ, cần phải có cái tâm, phải thực sự yêu thương trẻ em.

Suy cho cùng, bản chất của giáo dục xuất phát từ sự yêu thương, từ trái tim khối óc biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương lũ trẻ. Việc chăm sóc nuôi dạy một đứa trẻ đã từng được ví dư xây dựng một công trình thuỷ điện vĩ đại, nếu thành công thì đó là một kì quan, nếu thất bại sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Đáng tiếc, khi những sự cố xảy ra, các cô đều có một lời giải thích chung. Đó là áp lực, là căng thẳng công việc… dẫn đến mất kiềm chế.

Nhưng khi đã đặt chân vào nghề nuôi - dạy trẻ, tất cả chọn ngành nghề ấy đều biết nó nhọc nhằn ra sao, áp lực thế nào cũng như công việc đó đâu dành cho những người yếu tâm lý, không có khả năng kiềm chế. Nghề giáo viên mầm non dạy cho người ta tính nhẫn nại và cách làm việc với những đứa trẻ. Nếu tính cách không phù hợp, không ý thức và làm chủ được cảm xúc cũng như điều tiết được hành động của mình thì sao lại chọn nghề này?

Trước đây, trong một báo cáo của Bộ GD&ĐT nêu rõ, yếu kém về chất lượng giáo viên là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở đào tạo mầm non. Cũng trong báo cáo này, cả nước còn khoảng 30% tương ứng với 80.000 giáo viên mầm non phải được đào tạo để nâng chuẩn từ trình độ Trung cấp lên Cao đẳng.

Và cũng không thể phủ nhận rằng, quan niệm của xã hội về nghề giáo viên mầm non đã và đang góp phần đẩy con số trẻ mầm non bị bạo hành lên cao. Mọi người, thậm chỉ cả các chủ trường vẫn tồn tại góc nhìn chưa chuẩn xác về nghề nuôi dạy trẻ, xem giáo viên mầm non là một công việc dễ dàng, không cần phải có trình độ văn hóa cao. Không hiếm các thí sinh thi trượt Đại học đã chọn học Trung cấp mầm non với suy nghĩ: Nghề này dễ học, dễ làm và dễ xin việc!

Nhưng sự thực là, muốn yêu thương trẻ, ngoài trí tuệ còn cần có phương pháp đúng. Nếu chưa đủ giỏi, chưa đủ thuần thục phương pháp, chưa trang bị đủ kiến thức làm việc với trẻ, chưa hiểu hết những nhạy cảm của công việc, xin đừng làm nghề giáo viên mầm non!

Xót xa cháu bé 3 tháng tuổi nghi bị mẹ và Xót xa cháu bé 3 tháng tuổi nghi bị mẹ và "chồng hờ" bạo hành tử vong
Tội “Hành hạ trẻ em” sẽ bị xử lý như thế nào? Tội “Hành hạ trẻ em” sẽ bị xử lý như thế nào?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động