Nghệ nhân Hà Nội đưa bản sắc nón Việt vươn xa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nghệ nhân Tạ Thu Hương tham gia trình diễn nghề làm nón lá tại sự kiện quảng bá làng nghề Hà Nội. Ảnh: NVCC |
Hành trình giữ nghề
Những ngày đầu tháng 5, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Tạ Thu Hương tại làng Chuông, xã Thanh Oai, Hà Nội (tên gọi đơn vị hành chính mới sau sáp nhập) trở thành điểm dừng chân hấp dẫn của các tour du lịch làng nghề. Giữa nhịp làm việc bận rộn, chị vẫn ân cần hướng dẫn du khách trải nghiệm từng công đoạn làm nón, từ xếp lá, thắt vành đến khâu nón để mỗi du khách cảm nhận được sự kỳ công ẩn sau vẻ đẹp giản dị, mộc mạc nón lá Việt Nam. Nhìn hình ảnh nghệ nhân Tạ Thu Hương tận tình hướng dẫn du khách làm những công đoạn cơ bản của chiếc nón lá đủ thấy những tâm huyết chị dành cho làng nghề truyền thống.
Sinh ra trong cái nôi của nghề làm nón truyền thống, ngay từ nhỏ, chị Tạ Thu Hương đã gắn bó với cây kim, sợi chỉ. Lớn lên, chị không chỉ nối nghiệp gia đình mà còn đưa sản phẩm làng nghề đi muôn nơi qua các hội chợ, liên hoan văn hóa, chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Gian hàng nón lá của chị luôn nổi bật bởi thiết kế độc đáo và tạo sức hút đặc biệt với du khách.
Theo nghệ nhân Tạ Thu Hương, nghề làm nón đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu như lá nón và mo từ rừng Hương Sơn (Hà Tĩnh), đến bứt vòng, thắt vòng, quai lá, quai mo, mạng chóp, phủ lụa, vẽ họa tiết… đều cần sự khéo léo và óc sáng tạo. Các mũi khâu đòi hỏi không chỉ đẹp, đều, không lọt nắng, lọt mưa trong quá trình sử dụng. Nhiều năm qua, những chiếc nón mang thương hiệu Thu Hương luôn được xem là chuẩn mực tại làng Chuông bởi độ bền, tinh xảo và tính thẩm mỹ.
Không ngừng đổi mới, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã sáng tạo, cải tiến mẫu nón lụa Hà Đông - sản phẩm mang vẻ đẹp sang trọng, tao nhã, được người tiêu dùng yêu thích và đánh giá cao. Đây cũng là một trong 6 mặt hàng nón lá của cơ sở Thu Hương được công nhận xếp hạng OCOP 4 sao. Các dòng sản phẩm khác như: nón lá bồ đề, nón lá sen, nón quai thao, nón đạo cụ… cũng được nhiều khách hàng yêu thích.
Đa dạng mẫu mã, kích thước, nghệ nhân Tạ Thu Hương đưa ý tưởng táo bạo kết hợp hội họa với thủ công truyền thống: vẽ 3D các hình ảnh phong cảnh, cờ Tổ quốc, ngôi sao vàng, người thiếu nữ Việt Nam… trên mặt nón. Những chiếc nón độc đáo này đặc biệt thu hút khách du lịch quốc tế. Hiện mỗi tháng, cơ sở sản xuất nón lá Thu Hương bán được từ 2.000 - 3.000 chiếc nón, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
![]() |
Nghệ nhân Tạ Thu Hương tham gia chương trình livestream quảng bá sản phẩm nón lá truyền thống do đoàn thanh niên địa phương tổ chức. Ảnh: NVCC |
Từ chiếc nón lá đến “đại sứ văn hóa” làng nghề
Ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, nghệ nhân Tạ Thu Hương là một trong những nghệ nhân trong làng tiên phong trong việc bảo tồn văn hóa với phát triển kinh tế địa phương. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Mây Tre Nón Lá, chị liên kết với các công ty du lịch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nơi du khách được trực tiếp làm nón, thưởng thức ẩm thực truyền thống và hiểu hơn về văn hóa Việt.
“Mỗi ngày có hàng chục lượt du khách đến tham quan, những ngày cuối tuần đón khoảng 300 - 400 lượt” - nghệ nhân Tạ Thu Hương cho biết. Ngôi nhà nhỏ của gia đình trở thành điểm đến tiêu biểu của làng Chuông, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh làng nghề Hà Nội.
![]() |
Nghệ nhân Tạ Thu Hương giới thiệu những chiếc nón lá lụa Hà Đông tinh xảo. Ảnh: NVCC |
Nghệ nhân Tạ Thu Hương tích cực kết nối cùng với nghệ nhân khác như ông Lê Văn Tuy để giới thiệu các mặt hàng nón lá được công nhận sản phẩm OCOP tại đình làng Chuông phục vụ cho hoạt động tham quan, trải nghiệm của các đoàn du khách và học sinh, sinh viên. Đặc biệt, các chương trình livestream quảng bá sản phẩm nón lá truyền thống do đoàn thanh niên địa phương tổ chức đã mở ra kênh tiếp cận mới, gần gũi với giới trẻ, góp phần “hồi sinh” tình yêu với sản phẩm truyền thống.
Gần 50 năm gắn bó với nghề làm nón, điều trăn trở lớn nhất của nghệ nhân Tạ Thu Hương khi làng nghề thiếu không gian trưng bày, hoạt động trải nghiệm bài bản cho du khách. Chị mong muốn được Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng Khu trưng bày làng nghề, đặc biệt là xây dựng thiết kế một “con đường nón” - nơi hội tụ sản phẩm của hơn 4.000 hộ dân trong làng tạo biểu tượng văn hóa độc đáo cho du lịch làng nghề Hà Nội.
“Chúng tôi sẵn sàng góp sức, góp sản phẩm để biến “con đường nón” thành hiện thực, để du khách nhớ đến làng Chuông như một biểu tượng văn hóa của người Việt Nam” - nghệ nhân Tạ Thu Hương bày tỏ.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương (SN 1968) là một trong những nữ nghệ nhân tiêu biểu làng nghề Hà Nội, với gần nửa thế kỷ gắn bó và cống hiến cho nghề làm nón. Dưới bàn tay tài hoa và tinh thần đổi mới không ngừng, chị đã góp phần đưa chiếc nón lá - biểu tượng văn hóa dân tộc, vượt khỏi biên giới, trở thành “sứ giả văn hóa” đưa hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế. |
![]() | Nghệ nhân phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề hơn 400 năm tuổi Nhờ đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh từ thương hiệu của nghệ nhân ... |
![]() | Sợi rơm kể chuyện lịch sử Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nghệ nhân, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát ... |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại