Nghệ nhân phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề hơn 400 năm tuổi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh luôn trăn trở với bài toán đào tạo, truyền dạy đội ngũ trẻ kế cận, phát triển làng nghề truyền thống. Ảnh: NVCC |
Gia đình 3 thế hệ là nghệ nhân
Sinh ra từ làng nghề, ngay từ nhỏ Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh (SN 1964, làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) gắn bó với hình ảnh cái thúng, cái mẹt, cái nơm, cái vó mộc mạc từ những thanh tre được phơi dọc đường. Rồi tình yêu mảnh đất quê hương, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh trở thành lớp thợ giỏi trong làng không chỉ bởi đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo các sản phẩm mây tre độc đáo.
Gần 50 năm làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh có khoảng 20 sản phẩm mây tre đan dán nhãn OCOP 4 sao, tiêu biểu sản phẩm lồng bàn đan mây, bộ đèn đan vẩy rồng, bát bộ ba, khay chữ nhật, hộp đựng giấy, bộ hộp đựng bút, khay để hoa quả…
Nhờ truyền thống của gia đình có nhiều đời gắn với nghề mây tre đan, cha của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh là nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, 1 trong 9 nghệ nhân đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu. Lần đầu tiên gặp Bác Hồ, nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu đan chân dung Bác Hồ bằng mây, tre, ông cũng là người tiên phong ở làng nghề Phú Vinh đưa những họa tiết trang trí vào mây, tre.
Từ những câu chuyện kể của người cha đã tiếp lửa cho ông với tình yêu nghề truyền thống và truyền dạy cho thế hệ kế cận. Đến nay, gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh có 3 thế hệ là nghệ nhân, lớp kế cận trẻ là nghệ nhân Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Phương Quang. Trong đó, anh Nguyễn Phương Quang được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016, khi mới 28 tuổi.
Tài năng của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh được khẳng định vào năm 1986, thời điểm 22 tuổi, ông đạt giải thưởng đầu tiên là huy chương Vàng sản phẩm thủ công mỹ nghệ Liên hiệp Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp trung ương trao tặng.
Luôn trăn trở với bài toán giữ gìn nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh dành nhiều tâm huyết dạy nghề và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Xưởng sản xuất của gia đình luôn đón tiếp các nhóm sinh viên, học sinh, đoàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Không giới hạn ở trong xã, huyện, ông còn đến các tỉnh khác dạy nghề.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho hay: “Cách đây 20 năm, nghề làng mây tre đan Phú Vinh “người tìm việc” thì nay “việc tìm người” khi thiếu lớp trẻ kế cận theo nghề. Đó cũng là thách thức trong công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề địa phương”.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tại sự kiện quảng bá sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh. Ảnh: Mộc Miên |
Trở thành “đại sứ văn hóa” làng nghề
Giữa cơn lốc của thị trường, làng nghề mây tre đan khó tránh khỏi thăng trầm khi các sản phẩm nhựa lên ngôi, cạnh tranh với sản phẩm đồ thủ công. Đứng trước khó khăn đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cùng với các nghệ nhân, thợ giỏi trong làng quyết tâm vượt khó, giữ chất lượng sản phẩm mây tre đan lên hàng đầu.
Vừa giữ gìn bản sắc truyền thống, lớp thợ giỏi sáng tạo đa dạng mẫu mã sản phẩm, chinh phục thị trường khách hàng trong nước và quốc tế. Với sản phẩm từ nguyên liệu mây tre, thân thiện với môi trường tạo thiện cảm cho khách du lịch đến mua sắm, trải nghiệm.
Hiện nay, làng nghề Phú Vinh có 2 hộ gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh và nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh tổ chức đón tiếp các đoàn tham quan, trưng bày tại xưởng sản xuất.
Ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã trở thành địa điểm giới thiệu, trưng bày cho khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về làng nghề. Tại cơ sở gia đình, các du khách được tự tay trải nghiệm nghề đan mây tre, nghe câu chuyện làng nghề truyền thống. Đồng thời, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh mở các lớp dạy nghề mây tre đan tới giới trẻ nhằm giữ gìn bản sắc làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh thường xuyên được các cơ quan TP Hà Nội, sở, ban, ngành địa phương mời tham dự trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Đối với ông, cơ hội tham gia các sự kiện lễ hội, quảng bá nét đẹp văn hóa, kỹ năng các làng nghề, sản phẩm độc đáo góp phần tạo đà cho sự phát triển làng nghề, quảng bá về du lịch tốt hơn. Tại mỗi sự kiện, bên cạnh trưng bày sản phẩm còn có hoạt động trình diễn, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo làng nghề Hà Nội. Thông qua các sự kiện, nghệ nhân làng nghề, thông điệp truyền tải cần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, hiện nay tour du lịch làng nghề có nhiều khởi sắc, những ngày cuối tuần tại các xưởng gia đình đón tiếp khoảng 5-7 đoàn du lịch về tham quan. Con số tăng gấp đôi so với cách đây 2 năm trước, thể hiện du lịch làng nghề có nhiều tiềm năng trong kích cầu du lịch và hoạt động kinh tế, xã hội địa phương. Từ định hướng phát triển du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề vẫn có chỗ đứng, nhiều đơn hàng xuất khẩu sang các nước Anh, Mỹ, Nhật,…
Trên cương vị Chủ tịch Hội Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đề xuất việc thúc đẩy các xưởng gia công tại các hộ gia đình làm du lịch làng nghề, Nếu mỗi gia đình xây dựng, thiết kế theo phong cách riêng, tạo điểm nhấn cho du khách khi đặt chân đến làng nghề.
Với những cống hiến gìn gìn và phát huy bản sắc làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh được trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Hiện, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đang được đề xuất hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
![]() | Hà Nội: rà soát, bổ sung danh mục di tích, bảo tồn di sản văn hóa |
![]() | “Hội chùa Tây Phương” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại