Thứ năm 23/01/2025 03:01

Ngược đãi bố mẹ có được hưởng thừa kế?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, nếu người con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với cha mẹ thì thuộc một trong các đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật.
Hiện trường vụ 3 con gái đốt nhà mẹ tại Hưng Yên năm 2023 liên quan đến thừa kế Ảnh: UBND xã Trung Hoà, tỉnh Hưng Yên cung cấp
Hiện trường vụ 3 con gái đốt nhà mẹ tại Hưng Yên năm 2023 liên quan đến thừa kế. Ảnh: UBND xã Trung Hoà, tỉnh Hưng Yên cung cấp

Thuê người bắt nhốt bố mẹ để đòi… thừa kế

Không phải những vụ án hình sự, không phải những vụ án tranh chấp dân sự, mà theo các luật sư, giải quyết những vụ án tranh chấp thừa kế luôn là những vụ án khiến các luật sư đau đầu nhất. Kể lại câu chuyện mình gặp phải, luật sư Lê Hồng Hiển, Công ty Luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự, cho biết, cách đây mấy năm anh có tiếp một vị khách “đặc biệt” đến gặp anh để nhờ tư vấn.

“Sở dĩ, tôi dùng từ đặc biệt bởi đây là vị khách lớn tuổi nhất của luật sư từ trước đến nay (gần 90 tuổi), và hơn cả, câu chuyện của cụ cũng gây ám ảnh nhất trong số những vụ việc liên quan tới thừa kế mà tôi từng nhận” – luật sư Lê Hồng Hiển bắt đầu câu chuyện.

“Nó cho cháu nội dụ tôi uống thuốc ngủ rồi lấy trộm sổ đỏ, cả giấy tờ hộ khẩu…”, ông cụ mở đầu câu chuyện với ánh mắt buồn bã. “Nó còn thuê người tới dọa nạt tôi. Chúng dí tay vào trán tôi mà rằng: Ông hãy cẩn thận". Cụ kể cho luật sư nghe, lời nói trầm buồn, run rẩy và chất chứa những nỗi đau. “Giờ tôi luôn sợ hãi lo lắng tới mất ăn mất ngủ. Tôi từng này tuổi không sợ chết, nhưng sợ bị con trai thuê người bắt nhốt, giam lỏng, như cái cách mà nó đang làm với bà nhà tôi vậy” nói đến đây, ông cụ đờ đẫn, khuôn mặt đầy nếp nhăn run lên bần bật. Những giọt nước mắt đang được kìm nén trong đôi mắt đã mờ, rạn chân chim… Chua xót, bất lực.

Theo lời cụ, “nó” ở đây là người con trai duy nhất của cụ và vợ. “Nó” cũng từng là niềm tự hào lớn nhất mà cụ có được khi đi gần hết chặng đường đời: học rộng, điều hành một công ty có cả trăm nhân viên, nhà cửa đất đai không thiếu. Do hoàn cảnh mà cụ không ở gần vợ con, tuy tình cảm cha con không thực sự tốt, nhưng trước nay cũng không có vấn đề gì. Bi kịch chỉ thực sự bắt đầu khi giữa năm 2020, cụ quyết định viết di chúc và ngôi nhà mặt tiền giữa Thủ đô rộng gần 150m2 cụ tính để cho con trai 1 phần, 1 phần cho em gái và cháu, 1 phần cụ tính làm từ thiện…

Dự định của cụ vấp phải sự phản đối kịch liệt của vợ chồng anh con trai. Theo lý lẽ của anh này, anh ta là con trai duy nhất, lẽ dĩ nhiên tất cả tài sản của bố mẹ phải thuộc về anh ta. Chuyện bố định chia cho người khác là vô lý. Đau lắm chứ, người Việt ta có lối suy nghĩ việc nhà “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Thế nhưng cái việc đi “tố” con cái là việc cực chẳng đã. Giờ đây cụ phải nhờ đến pháp luật để bảo vệ chính mình cũng như để ngăn chặn con trai khỏi làm điều bất hiếu…

“Trước nay, người Việt ta thường có lối suy nghĩ tránh việc chia thừa kế và không rõ ràng về tài sản khi vẫn còn sống. Bởi quan niệm chia thừa kế chỉ diễn ra khi người nằm xuống, còn sống, họ sợ xui, sợ đen… nên rất nhiều lảng tránh” – luật sư Lê Hồng Hiển lý giải.

Tranh chấp thừa kế tài sản vốn là loại án chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số án mà các tòa án thụ lý, thế nhưng loại án này lại thuộc loại phức tạp, khó giải quyết và thường kéo dài nhất. Bởi lẽ, chủ thể tham gia quan hệ và tranh chấp thừa kế thường liên quan đến nhiều người trong gia đình, họ tộc. Theo luật sư Lê Hồng Hiển, việc lập di chúc rõ ràng khi để lại tài sản thừa kế là điều cần thiết để tránh xung đột và tranh chấp về sau. Mặc dù có một số trường hợp có lập di chúc vẫn tranh chấp, nhưng thường không quá căng thẳng và việc giải quyết cũng sẽ dễ dàng hơn…

Quy định của pháp luật

Còn theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, công ty Luật E&D, nếu người con vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng với cha mẹ thì thuộc một trong các đối tượng không được quyền hưởng di sản theo quy định pháp luật. Theo đó, khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp không được quyền hưởng di sản.

Cụ thể, người sau đây không được quyền hưởng di sản bao gồm người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không được quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. “Bên cạnh đó, việc thừa kế gồm thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc.

Nếu không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực thì chia thừa kế theo pháp luật: Nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 621 nêu trên thì không có quyền thừa kế. Nếu thừa kế theo di chúc (có di chúc hợp pháp): thì dù thuộc một trong những trường hợp nêu trên nhưng người để lại di sản biết mà vẫn có di chúc để lại tài sản thì vẫn được quyền hưởng di sản” - luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn cho biết.

Có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng?
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động