Thứ sáu 24/01/2025 00:40

Người hỗ trợ đắc lực trong hòa giải tranh chấp đất đai

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong tổ hòa giải tại xã về đất đai thì cán bộ địa chính luôn là người hỗ trợ đắc lực, thông tin về nguồn gốc đất của các bên để từ đó các bên nhận ra được việc mình kiến nghị, phản ánh là đúng hay sai.
Người hỗ trợ đắc lực trong hòa giải tranh chấp đất đai
Anh Lê Ngọc Thành, công chức địa chính xây dựng, người hỗ trợ đắc lực trong hòa giải tranh chấp đất đai tại xã Vân Canh.

Trao đổi với PV, anh Lê Ngọc Thành, cán bộ công chức địa chính xây dựng xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, xã Vân Canh chia làm 2 vấn đề trong hòa giải. Nếu các vấn đề liên quan đến mâu thuẫn trong khu dân cư, va chạm, ly hôn, không liên quan đến trật tự xây dựng, đất đai thì chính quyền địa phương sẽ giao cho tổ hòa giải ở thôn, xóm làm công tác vận động, tuyên truyền hòa giải.

Nếu các vấn đề mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất đai, trật tự xây dựng thì sau khi tiếp nhận đơn của người dân, xã giao cho cán bộ chuyên môn như địa chính, xây dựng để tập hợp hồ sơ trong quá trình quản lý, lưu trữ tại xã để xác minh đơn công dân phản ánh. Sau đó, xã sẽ mời công dân có đơn thư phản ánh lên xã làm việc để thu thập thêm hồ sơ, tài liệu cũng như nghe nguyên đơn trình bày quan điểm. Tiếp đó, xã sẽ mời bị đơn lên làm việc để nghe bị đơn trình bày quan điểm cũng như các giấy tờ kèm theo.

“Khi nhận được đơn thư của công dân gửi ở bộ phận một cửa, chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo UBND ra thông báo thụ lý hồ sơ. Sau khi ra thông báo, chúng tôi sẽ mời nguyên đơn đến để tổ chức xác minh rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đất. Sau đó, xã sẽ mời bên bị đơn đến để thông tin liên quan đến nguồn gốc và quá trình sử dụng đất”, anh Thành nói.

Theo anh Thành, xã Vân Canh có 4 bản đồ gồm năm 1939, 1986, 1991, 2004, kèm theo đó là sổ mục kê của các thời kỳ bản đồ. Những tài liệu ở xã có khá đầy đủ nên mỗi lần xảy ra sự việc, trước khi hòa giải anh luôn sao lục bản đồ, sổ mục kê đầy đủ. Tài liệu lưu trữ đầy đủ sẽ là bằng chứng để phân tích cho bị đơn và nguyên đơn biết được nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, phân tích cho hai bên cũng như hội đồng hòa giải ở cơ sở được biết.

Chính vì bản đồ các thời kỳ rất rõ nét, thể hiện nguyên trạng của đất, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất nên khi hòa giải nguyên đơn và bị đơn sẽ thuyết phục bởi các chứng lý mà các thành viên hội đồng hòa giải cơ sở đưa ra. Từ đó, giúp hòa giải thành nhiều vụ việc tại cơ sở, tránh tình trạng đơn khiếu nại lên cấp trên cũng như ra tòa án.

Mặt khác, anh Thành là người địa phương, công tác địa chính 16 năm nên nắm rất rõ từng nhà từng ngõ. Mỗi lần hòa giải, anh Thành sẽ thông tin cho hội đồng hòa giải biết được mảnh đất này nguồn gốc từ đâu, ai là người sử dụng,.... liệt kê những loại bản đồ, tên chủ sử dụng đất,.. báo cáo hội đồng để mọi người được biết.

Bên cạnh đó, các bác ở tổ hòa giải tại thôn cũng biết được ông cha của nguyên đơn, bị đơn nên sẽ hiểu rất rõ nguồn gốc đất của mỗi bên. Tại xã, thường tranh chấp đất đai là tranh chấp trong anh em, người thân trong gia đình còn tranh chấp với hàng xóm thường là tranh chấp mốc giới.

“Tranh chấp đất đai ở xã Vân Canh khoảng trên 90% là hòa giải thành bởi bản chất liên quan đến quyền lợi thì mình phải đối chiếu với quy định pháp luật”, anh Thành nhấn mạnh.

Anh Thành ví dụ, những hộ gia đình được giao đất năm 1992 trở về trước, được giao theo Nghị định 64 thì người bố chỉ là người đại diện cho hộ. Do vậy, nếu đất thuộc diện thu hồi và gia đình được giao đất dịch vụ thì người con cũng được hưởng.

Nhiều gia đình mâu thuẫn từ những sự việc như vậy, gia đình mâu thuẫn, người bố không chia cho con nên người con làm đơn gửi ra UBND xã. Nhận được đơn, chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác xác minh và làm việc với các bên cũng như phân tích nguồn gốc sử dụng đất, các quy định của pháp luật. Khi mọi người nắm bắt được hết các thông tin, nguồn gốc và quy định thì hầu hết các bên đều vui vẻ, không còn mâu thuẫn.

Người làm hòa giải phải công bằng thì các bên mâu thuẫn mới tin và nghe Người làm hòa giải phải công bằng thì các bên mâu thuẫn mới tin và nghe

Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh, người có khoảng 10 năm chủ trì hội nghị hòa giải ở cơ sở cho ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động