Thứ năm 23/01/2025 06:19

Những điều cần biết về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Những điều cần biết về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
Ảnh minh họa: Khánh Huy

Đối tượng áp dụng là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (gọi tắt là người lao động).

Nghị định này đề ra hai chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện chính, bao gồm giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tai nạn lao động.

Theo Nghị định, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm này nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm, và không thuộc các trường hợp không được hưởng các chế độ tai nạn lao động như do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

Nghị định quy định rõ quy trình giám định mức suy giảm khả năng lao động, theo đó người lao động có thể chủ động đi giám định hoặc giám định lại khi thuộc một trong những trường hợp: sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định; sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định; đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả phí giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Về trợ cấp tai nạn lao động, Nghị định quy định mức trợ cấp một lần dành cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động. Mức trợ cấp này được tính dựa trên hai yếu tố: mức độ suy giảm khả năng lao động và số năm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Cụ thể, người lao động suy giảm 5% khả năng lao động sẽ được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng vùng IV, và cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần lương tối thiểu. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm, từ 0,5 lần lương tối thiểu vùng IV cho năm đầu tiên và tăng thêm 0,3 lần cho mỗi năm tiếp theo.

Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Thời điểm để xác định tháng lương cơ sở vùng IV làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp (sau đây gọi tắt là thời điểm hưởng trợ cấp) được tính vào tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú. Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động. Trong trường hợp này, thân nhân của nạn nhân sẽ được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần lương tối thiểu vùng IV nếu thuộc một trong những trường hợp sau: người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động; người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động; người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp này được tính tại tháng người lao động bị chết.

Nghị định cũng nêu rõ các nguyên tắc và quy định về việc trợ cấp tai nạn lao động, như việc không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó và trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động sẽ được hưởng trợ cấp bổ sung.

Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Đề nghị bổ sung quy định bảo hiểm xã hội chậm thanh toán thì phải chịu lãi suất
Một loạt chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 11/2024
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động