Những điều cần lưu ý trong kỳ tuyển sinh Đại học năm 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023. Ảnh: Phạm Hùng |
Được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, quy trình, phương thức, hình thức xét tuyển đại học năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023 theo quy chế hiện hành. Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh và đề án tuyển sinh cụ thể, công bố các phương thức tuyển sinh, các thời hạn và quy trình cần thiết trong quá trình tuyển sinh… trên trang thông tin điện tử của mình. Có trường tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT, có trường xét tuyển học bạ, có trường tổ chức kì thi riêng hoặc điểm thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội…
Thí sinh cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh ở những trường mình đang tìm hiểu để nắm rõ các quy định. Đặc biệt, với những thí sinh xét tuyển sớm, cần lưu ý dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển. Thí sinh cần phải đăng kí các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian đăng kí xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực.
Ngoài ra, các nguyện vọng khi đăng kí xét tuyển cần được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng đầu tiên là nguyện vọng có ưu tiên cao nhất. Bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành theo sở thích, thí sinh cũng cần theo dõi điểm chuẩn của từng ngành, từng trường những năm trước để có sự lựa chọn phù hợp.
Còn theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục Đại học, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ cần quét tất cả dữ liệu mình có (ví dụ học bạ, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ…) để không bỏ sót cơ hội đỗ vì hệ thống sẽ xử lý dữ liệu để xác nhận cho thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất. Một điều quan trọng là thí sinh cần bảo mật tài khoản của mình cẩn thận để truy cập vào hệ thống xét tuyển, vì năm 2023 đã có 23 thí sinh ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) gặp trục trặc do để lộ mật khẩu truy cập vào tài khoản và bị người khác sửa chữa thông tin.
Hiện một thí sinh có thể có hơn 1 số căn cước công dân, vì vậy trong suốt quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển nguyện vọng đại học, điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh chỉ thống nhất sử dụng 1 số. Tránh tình trạng đăng ký nhiều số căn cước công dân làm hệ thống không nhận diện được và quá trình xét tuyển thí sinh sẽ gặp nhiều trục trặc.
Không nhờ người khác lập tài khoản hay đăng ký giúp ca thi đánh giá năng lực
Vừa qua, Trung tâm Khảo thí - Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo về việc thời gian qua, nhận được một số thắc mắc của thí sinh về việc hủy ca thi sau khi đã nộp lệ phí, mặc dù bản thân không thực hiện. Qua rà soát, Trung tâm Khảo thí nhận thấy, một số tài khoản thi đã nhờ bạn bè, người khác đăng ký hộ ca thi trên cùng một địa chỉ IP và truy cập nhiều lần. Người được nhờ đăng ký đã tiến hành hủy ca thi (do nhầm lẫn hoặc cố ý) của thí sinh. Việc này khiến cho ca thi của thí sinh bị hủy và không thể khôi phục lại.
Theo cảnh báo của Trung tâm Khảo thí, thí sinh tuyệt đối không nên nhờ người khác lập tài khoản hay đăng ký ca thi giúp. Bởi cũng qua rà soát, đến thời điểm đăng ký ca thi, trên mạng xã hội thường xuất hiện những lời mời chào đăng ký ca thi giúp thí sinh.
Việc người lạ (hay cả người quen) đăng ký ca thi có thể nguy hiểm khi các thông tin cá nhân của thí sinh (như họ tên, ngày sinh, số căn cước công dân, điện thoại, địa chỉ,...) sẽ bị đối tượng lạ lấy cắp phục vụ các mục đích xấu mà thí sinh sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, đối tượng đăng ký cũng có thể hủy ca thi của thí sinh (sau khi đã nộp lệ phí) thí sinh không hề hay biết. Theo Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, để tiến hành hủy ca thi, người đăng nhập phải xác nhận mật khẩu 2 lần: lần 1 nhập mật khẩu và chờ 15 giây, lần thứ 2 nhập lại mật khẩu và chờ 45 giây mới có thể xác nhận hủy ca thi. Để bảo mật thông tin cá nhân và tránh việc người khác đăng nhập thay đổi hồ sơ, đăng ký hoặc hủy ca thi, thí sinh cần phải đổi ngay mật khẩu của tài khoản thi Đánh giá năng lực nếu đã từng tiết lộ cho người khác trong thời gian qua.
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực. Ngoài các đợt thi vào tháng 3 và 4, ba đợt thi khác sẽ diễn ra vào tháng 5 và 6. Theo kế hoạch, đợt thi đầu tiên (HSA 401) diễn ra ngày 23 và 24/3 tới. Các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi, gồm: thẻ căn cước; 1 quyển Atlat Địa lý Việt Nam (không có thêm bất kỳ ký tự nào khác); 1 máy tính tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ để lưu dữ liệu, không có chức năng thu phát truyền tin và chỉ thực hiện được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính đơn giản. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại