Những người hay mua hàng qua mạng cần đặc biệt lưu tâm để tránh bị lừa đảo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNội dung tin nhắn nghi lừa đảo của đối tượng shipper rởm. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Giăng bẫy” người mất cảnh giác
Việc mua hàng trực tuyến kéo theo nhiều thói quen khác, như việc nhờ shipper giữ hàng hoặc thả hàng vào nhà mình; sau đó shipper sẽ gửi tin nhắn về thông tin chuyển khoản; chỉ cần nhận được tin nhắn của shipper, người mua liền chuyển tiền. Lợi dụng thói quen này, các đối tượng đã giả danh shipper để chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Mới đây, ngày 18/7, chị Nguyễn Thu Phương (nhân viên ngân hàng) đang ở cơ quan thì nhận được cuộc gọi từ một thanh niên xưng là shipper giao 2 đơn hàng mỹ phẩm. Người này cho biết đã để các gói hàng vào trong sân rồi đề nghị chị Nguyễn Thu Phương chuyển khoản thanh toán. “Tối hôm thứ hai, tôi xem live trên Facebook và đặt 2 đơn mỹ phẩm, nên khi shipper gọi giao hàng tôi đã chuyển khoản luôn. Hôm đó, tôi đã chuyển khoản tổng cộng 650.000 đồng” - chị Nguyễn Thu Phương nói.
Khi trở về nhà, chị Nguyễn Thu Phương phát hiện bọc hàng chỉ là những túi nilon được bọc lại với nhau. Chị liên hệ với shop đã đặt đơn thì được biết đơn hàng vẫn đang ở kho, chưa được chuyển đi, đồng nghĩa với việc người phụ nữ này đã bị lừa. “Tôi chủ quan, thấy người ta gọi giao hàng là không nghĩ ngợi gì và chuyển khoản luôn. Người này đọc đúng cả họ tên, số điện thoại và cả sản phẩm đặt mua nên tôi càng không nghi ngờ” - chị Nguyễn Thu Phương kể.
Một trường hợp khác là chị Đào Thị Tuyết Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng mắc bẫy lừa đảo giao hàng. Chị Đào Thị Tuyết Lan cho biết, đã nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0365 214 721 tự xưng là nhân viên giao hàng, thông báo chị có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển 329.000 đồng vào tài khoản 19038600323014 tại ngân hàng Techcombank.
Ngay sau khi chuyển khoản thành công, chị Đào Thị Tuyết Lan tiếp tục nhận được tin nhắn từ shipper cho biết do nhầm lẫn nên số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên shipper, khi chuyển tiền vào đó trung tâm sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản.
Đồng thời, người tự nhận là shipper này cũng gửi kèm cho chị Đào Thị Tuyết Lan một đường link và số điện thoại 1900955556 nói là trang facebook và số điện thoại của trung tâm vận chuyển để liên hệ hủy đăng ký hội viên.
Đối tượng liên tục nhắn tin với nội dung thúc giục chị vào link trên để nhắn tin hủy đăng ký như: "Chỉ mất 3 đến 5 phút thôi ạ. Chị hủy giúp e với. Không hàng tháng bên em lại khấu trừ số tài khoản chị. Lúc ấy chị mắng em mất".
Phát hiện bất thường, chị Đào Thị Tuyết Lan ngay lập tức dừng lại và tra cứu số điện thoại thì phát hiện không có trung tâm vận chuyển nào có số như trên. “Đến lúc này thì tôi biết mình đã bị lừa. Nếu không tỉnh táo dừng lại ngay mà bấm vào đường link thì có lẽ tôi sẽ có nguy cơ bị đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng. Các chiêu lừa liên tục thay đổi cách thức khó lường và rất tinh vi” - chị Đào Thị Tuyết Lan chia sẻ.
Cảnh giác để tránh “mắc bẫy” của kẻ gian
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra khuyến cáo, qua những vụ việc trên, có thể thấy đây là một loại hình lừa đảo mới. Đặc điểm chung của các chiêu lừa này là đối tượng thường chọn thời điểm giờ hành chính để gọi điện. Khi đó, khách hàng thường không ở nhà hoặc trong thời gian làm việc không tiện nghe máy, đối tượng sẽ nói đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm hoặc bạn bè và yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Nhận được tiền, chúng chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc. Hoặc như trong trường hợp của chị Đào Thị Tuyết Lan, chúng sẽ tiếp tục lừa nạn nhân nhấn vào đường link lạ nhằm chiếm đoạt tài khoản hoặc chiếm quyền điều khiển thiết bị.
Do đó, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác: không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh "mắc bẫy" của kẻ gian.
Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Tâm lý đời sống cho biết, khi gặp các trường hợp đáng ngờ như trên, để xử lý một cách hiệu quả và an toàn, người bị lừa cần bình tĩnh hít thở, thay đổi trạng thái cơ thể để lấy lại tỉnh táo, không để mình bị cuốn theo những lời đe dọa. Sau khi thoát khỏi trạng thái hoảng loạn, bạn có thể lên mạng đọc để biết thêm thông tin. Hiện có quá nhiều trường hợp bị thao túng và thiệt hại rất nhiều tiền; nghĩ về những tin tức trên mạng và hãy nghi ngờ; chia sẻ và hỏi thêm người thân, bạn bè để họ hỗ trợ giải quyết vấn đề này, tuyệt đối không giấu làm một mình.
Kịch bản lừa đảo được dựng lên một cách tinh vi, nhưng nguồn cơn khiến cho nhiều người mất đi cảnh giác, rơi vào vòng xoáy bị lừa, lại đến từ sự thấu hiểu không ngờ của đối tượng về thông tin, thói quen mua sắm của từng người. Điều này đặt ra dấu hỏi cho vấn nạn rò rỉ thông tin cá nhân người dùng.
Thạc sĩ Phạm Đình Thắng chuyên gia đào tạo bảo mật của ECCouncil bày tỏ: “Với tôi, lộ thông tin cá nhân là vấn đề khiến tôi rất bức xúc. Thông tin người dùng không được bảo mật một cách toàn vẹn, từ thông tin cơ bản như họ tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh… đến thông tin về sự vật, sự việc xảy ra hàng ngày trong đời sống người dân như giao dịch ngân hàng, mua hàng… Có những giao dịch chỉ mới diễn ra thôi mà ngay sau đó đã có người gọi, nói ra những thông tin rất sát, khiến nhiều người tưởng họ là một. Tôi rất băn khoăn không biết nó đến từ đâu, rò rỉ như thế nào”.
Cũng theo Thạc sĩ Phạm Đình Thắng, tình hình mua bán thông tin dữ liệu cá nhân trên mạng hiện nay diễn ra rất phức tạp, tràn lan. Một trong những nguyên nhân chính là sự rò rỉ thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp. “Mong cơ quan chức năng sớm tìm ra được giải pháp rõ ràng và toàn diện, từ khâu tiếp nhận, khâu xử lý đến khâu đưa ra trước pháp luật, trừng trị mạnh tay những kẻ lừa đảo này” - Thạc sĩ Phạm Đình Thắng nhấn mạnh.
Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội khuyến cáo:
Đối với người bán: cần công khai các thông tin về địa chỉ, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội và tài khoản thực hiện giao dịch.
Đối với người mua: cần kiểm tra lại thông tin của người bán trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Nên sử dụng dịch vụ "ship COD" trong các giao dịch mua bán. Thận trọng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch tài chính thông qua mạng xã hội.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị khép vào tội này. Đồng thời, Luật cũng quy định, tuy theo mức độ của hành vi lừa đảo, đối tượng lừa đảo có thể bị xử phạt hành chính, phạt tù từ 6 tháng đến chung thân. |
Cảnh báo về sự gia tăng các website giả mạo ngân hàng | |
Lý do khiến người phụ nữ ở Tây Hồ bị mất gần 1 tỷ đồng | |
Có thể xử lý hình sự người mua nắp cống, nắp hố ga do trộm cắp mà có |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại