Nội dung trọng tâm của phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3/2025
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Ảnh minh họa. |
Hỏi: Tôi được biết, Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025. Xin quý báo cho biết một số nội dung?
(Trần Nam Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:
Ngày 1/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 69/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025. Theo đó: Chính phủ quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, trong đó tập trung chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm một số nội dung trọng tâm sau:
1. Luật chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ, mang tính nguyên tắc, đã được đa số đồng tình, chấp thuận và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các vấn đề quá cụ thể của Luật cần được rà soát để giao Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn và sự biến động, phát triển nhanh chóng của xã hội; đáp ứng các yêu cầu về kiện toàn, tinh giản bộ máy, đơn vị hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Đảng hiện nay.
2. Quán triệt, thực hiện nghiêm quy định trong việc xây dựng các dự án Luật, Pháp lệnh, yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…
3. Việc xây dựng Luật cần tập trung nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ…; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm pháp luật để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cả về chất lượng và tiến độ. Giao Bộ Tư pháp chuẩn bị trình Chính phủ trong tháng 4/2025 Quy định về bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật...
4. Tập trung rà soát, đánh giá các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách đang được triển khai có hiệu quả tốt, phát huy tác dụng để đề xuất tiếp tục thí điểm, bổ sung giải pháp phù hợp giúp tháo gỡ các điểm nghẽn, xóa bỏ ách tắc.
5. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật dự kiến cần sửa đổi, bổ sung theo định hướng sửa đổi Hiến pháp, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp xây dựng báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đúng thời hạn.
Tại phiên họp ngày 19/3/2025, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật, đề nghị xây dựng luật: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất chưa xem xét, cho ý kiến đối với các dự án Luật Cấp thoát nước và Luật Quản lý, phát triển đô thị.
Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:
1. Về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo:
Chính phủ đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tiếp tục tạo hành lang pháp lý để giải quyết điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách tối đa; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức chủ trì nghiên cứu và phát triển.
2. Về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi):
Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đánh giá cao việc Bộ KH&CN đã tích cực, chủ động phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương trong việc xây dựng dự án Luật…
3. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả:
Chính phủ đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất các nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thể chế hóa 4 nhóm chính sách được thông qua trong giai đoạn đề nghị xây dựng luật và các chủ trương của Đảng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, trong đó có mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP 26). Đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…
4. Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp:
Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, lập Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các định hướng, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật Doanh nghiệp, phù hợp với thực tiễn; thực hiện đúng các cam kết của Việt Nam với Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF)…
Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật | |
Xây dựng pháp luật phải đảm bảo “6 rõ”, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại