Thứ năm 23/01/2025 13:54

Phấn đấu nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền điện tử (CQĐT) đã giúp tổ chức bộ máy chính quyền TP gọn, nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn.
Phấn đấu nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức

Bước cải cách hành chính lớn mang lại hiệu quả

Ngày 1/7/2021 đánh dấu mốc đặc biệt khi TP Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền điện tử (CQĐT), triển khai tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Sau 1 năm triển khai cho thấy, việc thí điểm mô hình CQĐT tại TP Hà Nội rất phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn, đã và đang mang lại hiệu quả bước đầu trong quản lý, phục vụ người dân và DN. Tổ chức bộ máy chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức hoạt động của UBND thay đổi từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch UBND phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc. Cùng với đó, quyền dân chủ và giám sát của Nhân dân được tăng cường hơn bằng hình thức giám sát trực tiếp của Nhân dân hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Những thay đổi theo hướng tích cực đó đã góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Năm 2021, Hà Nội thuộc nhóm có Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) cao nhất. Từ xếp thứ 48 năm 2020, TP Hà Nội vươn lên xếp thứ 9 năm 2021. Bên cạnh đó, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 của Hà Nội xếp thứ 10/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Là điểm sáng trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, “nhanh” và “gọn” là nhận xét của đa số người dân khi đến làm những TTHC này tại quận Hoàn Kiếm. Mô hình “thủ tục hành chính không chờ” của quận đã được nhân rộng ra toàn địa bàn từ tháng 5/2022, sau thời gian thí điểm tại phường Hàng Bài.

Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ Nguyễn Sơn Hải cho biết, hiện nay phường Hàng Bồ đang quản lý 6.000 dân. Qua một năm triển khai mô hình CQĐT, hiệu quả rõ nét nhất của mô hình CQĐT đã giúp tăng tính chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ “thủ tục hành chính không chờ” được giải quyết chiếm đến 91,9% trong tổng số TTHC tại phường.

Mô hình CQĐT được Đảng ủy, UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Việc thực hiện CQĐT tại phường có sự chuẩn bị bài bản, thận trọng, có kế hoạch cụ thể, đã và đang phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ, công chức trong phục vụ Nhân dân; “lấy Nhân dân làm trung tâm, lấy hiệu quả làm thước đo để đánh giá cán bộ, công chức”.

Phấn đấu tăng chỉ số cải cách hành chính năm 2022

Năm 2022, TP Hà Nội phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng tối thiểu 1-2 bậc; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) tiếp tục có sự cải thiện cả về tỷ lệ hài lòng chung và thứ bậc so với năm 2021.

Theo đó, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 192/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2022 của TP Hà Nội.

Kế hoạch nhằm phấn đấu năm 2022, Chỉ số PAR Index của TP tăng tối thiểu 1-2 bậc, Chỉ số SIPAS tiếp tục có sự cải thiện cả về tỷ lệ hài lòng chung và thứ bậc so với năm 2021.

Đối với chỉ số PAR Index, UBND TP giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành đối với các nội dung chỉ số thành phần. Cụ thể Sở Nội vụ về nội dung công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; Sở Tư pháp về xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của TP; Văn phòng UBND TP về cải cách TTHC; Sở Tài chính về công tác cải cách tài chính công; Sở Thông tin và truyền thông, Sở Khoa học công nghệ, Văn phòng UBND TP về xây dựng và phát triển CQĐT, chính quyền số; Sở Kế hoạch và đầu tư về tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Đối với chỉ số SIPAS, UBND TP giao Văn phòng UBND TP theo dõi việc duy trì, cải thiện nội dung về tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công, tiếp nhận và xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị. Sở Nội vụ theo dõi về công chức giải quyết thủ tục hành chính.

UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ là đầu mối theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch. Căn cứ nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch, UBND TP giao các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch của ngành, địa phương mình để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc thực hiện thí điểm mô hình CQĐT đã giúp tổ chức bộ máy chính quyền TP gọn, nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn. TP Hà Nội đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm trên 1.400 biên chế công chức (tương đương tỉ lệ 15,6%); giảm trên 12.000 biên chế sự nghiệp (tương đương tỉ lệ 10%) so với năm 2015. Qua rà soát, kiện toàn, tinh giản biên chế đã góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, của TP.
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Hà Nội ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Đến năm 2025, Hà Nội hoàn thành xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số
Bài cuối: Hướng tới xây dựng chính quyền điện tử
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động