Có phải lỗi hỗn hợp?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Hiện trường vụ tai nạn ngày 4/9/2024 khiến cháu Tr tử vong. Ảnh: Công an cung cấp |
Tiếp tục điều tra vụ tai nạn giao thông…
Liên quan vụ ông Nguyễn Vĩnh Phúc (43 tuổi, trú tại xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) dùng súng tự chế bắn anh N.V.B.T (33 tuổi, quê tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) rồi tự tử, ngày 30/4, Bộ Công an đã có những chỉ đạo đối với công tác điều tra.
Theo đó, ngay sau khi nhận được báo cáo thông tin về vụ việc, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Long tập trung khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ diễn biến hành vi gây án của ông Nguyễn Vĩnh Phúc và các tình tiết liên quan. Bộ Công an cũng đề nghị làm rõ nguồn gốc hung khí gây án, nguyên nhân, động cơ, mục đích gây án và xem xét có hay không đối tượng khác liên quan đến vụ việc.
Trước đó, vào sáng 28/4, ông Nguyễn Vĩnh Phúc đã dùng súng tự chế bắn vào đầu anh N.V.B.T khi người này đang ở nhà tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn. Sau đó, ông Phúc đi bộ ra Quốc lộ 54, cách hiện trường khoảng 200m, rồi dùng súng bắn vào đầu tự sát. Đến tối cùng ngày, ông Phúc tử vong, còn anh T vẫn đang được cấp cứu. Ông Phúc và anh T được xác định có liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 9/2024, trong đó nạn nhân là cháu N.N.B.Tr (14 tuổi, con gái ông Phúc). Anh T là tài xế điều khiển xe tải va chạm với xe đạp điện do cháu Tr điều khiển khiến cháu Tr tử vong.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng giao Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khẩn trương thẩm tra toàn bộ hồ sơ vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 4/9/2024 làm cháu N.N.B.Tr (con gái ông Nguyễn Vĩnh Phúc) tử vong, cùng quá trình giải quyết khiếu nại trong vụ việc này. Ngày 29/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã rút toàn bộ hồ sơ vụ việc để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Ngày 29/4, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao đã làm việc với đại diện gia đình ông Phúc và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu Tr liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 4/9/2024 tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng đã tiếp nhận hồ sơ vụ tai nạn và các đơn khiếu nại của gia đình ông Phúc về việc cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố vụ án.
Trách nhiệm pháp lý của các bên ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ việc ông Phúc dùng súng bắn anh T, trường hợp trong quá trình điều tra xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã tử vong, không có đồng phạm và không có căn cứ sử dụng để tái thẩm một vụ án khác, thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra vụ án hình sự.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội còn sống thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”. Tuy nhiên, do người này đã chết nên không đặt ra việc xử lý trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự nhằm mục đích xác minh rõ nguyên nhân, động cơ gây án và giải quyết các vấn đề liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Một tình tiết đáng chú ý là nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ nổ súng được xác định có liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra trước đó khoảng nửa năm. Cụ thể, vào ngày 4/9/2024, con gái ông Phúc (nữ sinh lớp 9) điều khiển xe đạp điện trên đường thì xảy ra va chạm với xe tải do anh N.V.B.T điều khiển, dẫn đến tử vong.
Kết quả xác minh ban đầu thể hiện, khi điều khiển xe đến ấp Vĩnh Lợi, tài xế T thấy phía trước có ô tô bán tải đang đậu sát lề nên bật tín hiệu xin vượt. Lúc này, bên phần đường ngược lại, cháu Tr và một nữ sinh khác (cùng 14 tuổi) đang điều khiển xe đạp điện. Khi phát hiện xe tải, nữ sinh đi trước dừng lại đột ngột. Cháu Tr đi phía sau không kịp xử lý đã tông vào xe bạn, ngã ra đường và bị xe tải cán tử vong.
Cơ quan công an kết luận, cháu Tr điều khiển xe không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát phương tiện cùng chiều phía trước, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Về phía tài xế xe tải, do tình huống diễn ra bất ngờ nên không xử lý kịp, dẫn đến hậu quả chết người.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, trong các vụ tai nạn giao thông, vị trí va chạm giữa các phương tiện là yếu tố rất quan trọng để xác định nguyên nhân và lỗi của các bên. Trong trường hợp lỗi hỗn hợp (hai bên cùng có lỗi), nếu hậu quả dẫn đến chết người, cả hai bên đều có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260, Bộ luật Hình sự.
Liên hệ với vụ việc ở Trà Ôn, luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, nếu có yếu tố lỗi hỗn hợp - tức là người điều khiển xe tải cũng có hành vi vi phạm như vượt xe không đảm bảo an toàn thì tài xế cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Cơ quan điều tra cần đánh giá đầy đủ tình huống: liệu cháu bé điều khiển xe đạp điện đi đúng phần đường thì có nghĩa vụ giữ khoảng cách với xe đang vượt từ chiều ngược lại hay không? Đồng thời, phải xem xét việc tài xế xe tải vượt xe cùng chiều trong điều kiện đường hẹp, có đảm bảo an toàn cho phương tiện đi ngược chiều hay không?” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.
Nếu việc vượt xe gây mất an toàn dẫn đến hậu quả chết người mà người điều khiển phương tiện không bị xử lý hình sự thì có thể đặt ra dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nạn nhân.
![]() | Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm trong quá trình điều tra vụ tai nạn ở tỉnh Vĩnh Long |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại