Phát triển bền vững về môi trường của Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh dòng nước ở sông Tô Lịch xanh mát hai bên bờ sông. Ảnh: Khánh Huy |
Phát triển bền vững mang tính tất yếu
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Phi, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, kinh tế Thủ đô càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên nhiên gây ra những thiên tại vô cùng thảm khốc. Đó là sự tăng trưởng kinh tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội.
Có tăng trưởng kinh tế nhưng không có tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế nhưng văn hoá, đạo đức bị suy đồi; tăng trưởng kinh tế làm giãn cách hơn sự phân hoá giàu nghèo, dẫn tới sự bất ổn trong xã hội.
Vì vậy, quá trình phát triển của Thủ đô nói chung cần có sự điều tiết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu chí của phát triển bền vững về môi trường và giảm thiểu chất thải trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần coi quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nông nghiệp, du lịch, quá trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới... đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên.
Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yêu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lí, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.
Bên cạnh đó là vấn đề khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên ở giới hạn nhất định cho phép môi trường tiếp tục đảm bảo các điều kiện sống cho con người và các sinh vật nói chung.
Phát triển bền vững về môi trường của Thủ đô gồm những nội dung cơ bản: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm...
Tuyên truyền về bảo vệ môi trường bền vững
Ông Nguyễn Quốc Phi cho rằng, các vấn đề về bảo vệ môi trường và giảm phát thải trong Điều 29 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cơ bản giữ như quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Thủ đô năm 2012. Trong đó, quy định việc quản lí và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hoá và lịch sử ở Thủ đô; bảo đảm tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch.
Ông Nguyễn Quốc Phi đề xuất một số giải pháp về bảo vệ môi trường và giảm phát thải. Theo đó, tại Điều 29 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lí cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; hoàn thành cải tạo môi trường các hệ thống sông chính của Thủ đô; thực hiện các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lí rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để thay đổi nhận thức chung của người dân Thủ đô về phát triển, qua đó, không chỉ đòi hỏi phát triển mà cần và chỉ cần phát triển bền vững. Nhận thức này trước hết cần có ở các nhà quản lí xã hội, những người mà tiếng nói của họ có trọng lượng trong quy hoạch, trong cấp phép kinh doanh và cấp phép cho DN được triển khai thực hiện.
Tiêu chuẩn quy hoạch, cấp phép tại Thủ đô cần phải được xây dựng trên cơ sở tư duy phát triển bền vững. Cần loại bỏ tư duy xét duyệt và đánh giá thành tích theo số lượng. Cần tăng cường các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lí rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường; năng lượng tái tạo; và các dự án có sử dụng năng lượng tái tạo, dự án hỗ trợ chuyển dịch năng lượng.
Phát triển các đô thị vệ tinh bên cạnh các đô thị trung tâm | |
Phát triển đường sắt công cộng gắn với bất động sản |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại