Thứ sáu 24/01/2025 13:45

Phố nghề Đông y Lãn Ông gắn với mục tiêu “kép”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phố nghề Đông y Lãn Ông ngày nay không chỉ là con phố chuyên kinh doanh sản phẩm Đông Nam dược, với các biển hiệu bằng gỗ, bằng đồng cổ kính tồn tại hàng trăm năm mà còn là điểm đến du lịch, chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô và du khách.
Phố nghề Lãn Ông được tái hiện trong chuỗi sự kiện “Giữ nghề xưa trên phố” nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá, du lịch Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên
Phố nghề Lãn Ông được tái hiện trong chuỗi sự kiện “Giữ nghề xưa trên phố” nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá, du lịch Hà Nội. Ảnh: Mộc Miên

Có dịp ghé qua phố nghề Lãn Ông, mùi thuốc bắc, thuốc nam thoảng hương vị đặc trưng của các loại thảo dược đánh thức giác quan của bất kỳ ai đặt chân đến. Con phố nghề kéo dài chừng 180m sôi động với gần 50 cơ sở kinh doanh thuốc nam và các phòng chẩn trị Y học cổ truyền. Các cửa hàng thuốc nằm san sát nhau, bày bán đủ loại thuốc từ cao cấp như: đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi đến các loại thảo dược khô hoặc tán bột của các sản vật miền núi cao là ngải tượng, hoài sơn, tam thất, tắc kè…

Khác với không gian buôn bán tấp nập của các phố hàng, phố nghề khu phố cổ, phòng chẩn trị Y học cổ truyền tại đây có vẻ thâm trầm, kín đáo từ đặc trưng riêng là các tủ gỗ đựng thuộc phủ màu nâu bóng với hàng trăm ngăn khéo quai đồng. Mỗi ngăn kéo có đề tên thuốc bằng chữ Hán Nôm hoặc bằng tiếng Việt.

Một số cửa hàng, thuốc bày bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi ni-lon xếp đầy trước cửa hàng hay treo lủng lẳng phía trên đầu. Cùng với sự thuận tiện trong buôn bán, ngày nay người bán không dùng cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng để cân thuốc lạng như các cụ ngày xưa mà thay thế bằng chiếc cân đồng hồ để chia thuốc. Các thuốc thảo dược không dùng thuyền tán, thay vào đó là máy xay thuốc. Các cơ sở khám, chữa bệnh Y học cổ truyền cũng trang bị máy sắc thuốc cho bệnh nhân, giúp khách hàng không phải cầu kỳ sắc thuốc trên bếp củi, bếp ga như cách truyền thống.

Theo các Lương y, nghề thuốc trên con phố này theo thế hệ “cha truyền con nối”. Các Lương y trẻ hầu hết được đào tạo chuyên ngành Bác sĩ, Y sĩ Y học cổ truyền. Một số Lương y cao tuổi như Lương y Phạm Xuân Nội, Lương y Nguyễn Kim Bảng, Lương y Trần Vũ Cường, Lương y Nguyễn Thị Ngọc… vẫn bắt mạch, kê đơn.

Nhằm giữ gìn phố nghề cổ truyền, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, sự kiện “Giữ nghề xưa trên phố” do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp các đơn vị, cá nhân tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (từ ngày 19/4 đến 12/5) đã thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách tới tham quan, trải nghiệm. Trong không gian vỏn vẹn 30m2 tái hiện sinh động nghề thuốc Đông y xưa trên phố cổ thông qua các trưng bày cây thuốc dược liệu, sản phẩm thuốc dược liệu, không gian tư vấn bắt mạch miễn phí, tái hiện không gian hoạt động của gia đình lương y làm nghề thuốc đông y truyền thống…

Trước đó, năm 2014 - 2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án trùng tu và chỉnh trang phố Lãn Ông để bảo tồn và phát triển phố nghề đặc trưng nhất phố cổ. Sau đợt chỉnh trang, nâng cấp các công trình, giữ lại phần lớn hạng mục kiến trúc cũ, phố Lãn Ông mang lại diện mạo mới khang trang, không kém phần cổ kính.

Cùng với bản sắc đặc trưng của khu phố cổ, phố Lãn Ông được định hướng là phố nghề với mục tiêu “kép”, vừa là nơi nơi kinh doanh Đông Nam dược, giới thiệu Y học cổ truyền, vừa phát triển du lịch, trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn cho người dân Thủ đô, du khách trong nước và quốc tế.

Những góc nhìn đẹp về làng nghề, phố nghề Hà Nội
Liên hoan làng nghề, phố nghề Hà Nội năm 2022 với quy mô khoảng 200 gian hàng
Hà Nội: "Công nghiệp sáng tạo" có vai trò hết sức quan trọng...
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động