Thứ sáu 24/01/2025 01:28

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2024, 2025 sẽ thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết, phương án thi tốt nghiệp năm 2024 được giữ ổn định và tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh. Giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2024, 2025 sẽ thế nào?
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Ảnh: Ngọc Tú

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình; tuy nhiên sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023".

Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có 17 môn

Về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, theo PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, mục đích tổ chức thi nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Đối tượng dự thi gồm: Người học đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm tổ chức thi hoặc đã hoàn thành chương trình THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước có nguyện vọng dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT; người học đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã có bằng tốt nghiệp trung cấp có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả làm cơ sở xét tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Người học đăng ký dự thi theo cơ sở giáo dục nơi học xong lớp 12 trong năm tổ chức kỳ thi hoặc tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định. Hồ sơ đăng ký dự thi được chuyển về Sở GD&ĐT để xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức thi.

Về môn thi, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 tổ chức thi theo môn, theo đó, 17 môn đưa vào dự thảo gồm có 7 môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Nga) và 10 môn học được đánh giá bằng điểm số: ngữ văn, toán, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Nội dung thi bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Bộ GD&ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp: Kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.

Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện: Giai đoạn 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Giai đoạn sau 2030: Phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Về phân cấp, phân quyền tổ chức thi: Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ GD&ĐT.

Nghiên cứu thêm dạng trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, phương án thi như thế nào tác động rất lớn đến cả triệu thí sinh, đến định hướng nghề tương lai của các em nên rất cần thận trọng. Phương án thi cũng cần đảm bảo tính khả thi, có thể triển khai trên các điều kiện thực tế về quy mô, thời gian, nhân lực, cơ sở vật chất.

Về định dạng đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ kế thừa định dạng cũ, đồng thời có sự thay đổi phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng phát triển 5 phẩm chất, 10 năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, bài thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá hết. Vì vậy, kỳ thi sẽ tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.

Bộ đang nghiên cứu các dạng thức đánh giá mới, như kết hợp hài hòa giữa phương thức trắc nghiệm 4 phương án - 1 phương án đúng với phương thức trắc nghiệm 4 phương án đúng - sai và câu hỏi mở. Phương thức đánh giá cũng cần thực tế, tiết kiệm. Ví dụ có phương thức đánh giá rất hay nhưng tăng từ 4 trang giấy lên 10 trang giấy thi thì cũng không được. Vì tăng 1 tờ giấy thi trên 1 triệu thí sinh là 1 triệu tờ. Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng cho biết, trong tháng 10-11 sẽ có định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025, sau đó tiến hành thử nghiệm trên một số địa phương.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, Bộ GD&ĐT chủ trương đào tạo bồi dưỡng nhóm chuyên gia cốt lõi lấy từ đội ngũ giáo viên ở các địa phương. Bộ dự kiến mời chuyên gia khảo thí Hoa Kỳ cùng các chuyên gia trong nước tham gia công tác bồi dưỡng này. 63 Sở GD&ĐT sẽ có ít nhất 2 chuyên gia/môn thi được đào tạo.

Dự kiến đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc hơn 65.400 tỷ đồng Dự kiến đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc hơn 65.400 tỷ đồng
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động