Quý I/2025: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 202,5 tỷ USD
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Quốc Cường |
Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước gia tăng
Hoạt động xuất nhập khẩu đã tăng tốc mạnh mẽ trong tháng 3/2025. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 3 đạt 75,38 tỷ USD, tăng 16,8% so với tháng trước và 15,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu đạt 38,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với tháng 3 năm trước và là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 36,87 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6%, nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17%. Cán cân thương mại quý đầu năm tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, với mức xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh thương mại quý I/2025 là sự gia tăng mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 29 tỷ USD, tăng 15%, cao hơn mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (đạt 73,8 tỷ USD). Điều này cho thấy nội lực của doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.
Xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Nhóm hàng nông, thủy sản đạt kim ngạch 9,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng dù giảm sản lượng nhưng vẫn tăng giá trị nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.
Cụ thể, Cà phê: giảm 15,8% về sản lượng nhưng kim ngạch tăng 45,8%; Hạt tiêu: giảm 16,4% về sản lượng nhưng kim ngạch tăng 37,8%; Cao su: giảm 7,5% về sản lượng nhưng kim ngạch tăng 21,5%; Nhân điều: giảm 19,4% về sản lượng nhưng kim ngạch tăng 4%
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính của xuất khẩu với kim ngạch đạt 87,5 tỷ USD, tăng 11%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị đều đạt mức tăng trưởng hai con số.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là đối tác lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3%. EU đứng thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5%. Trong khi đó, Trung Quốc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng lại giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu
Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tích cực, với mức tăng trưởng Quý I đạt 10,6%. Song, con số này vẫn thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 12% của cả năm 2025, nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).
Tuy nhiên, những thách thức lớn đang xuất hiện khi Mỹ vừa công bố áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam ở mức 46%. Chính sách này được Nhà Trắng giải thích là nhằm khắc phục bất công thương mại, đưa sản xuất trở lại Mỹ và đảm bảo an ninh kinh tế. Các mức thuế này sẽ duy trì cho đến khi Mỹ đạt được sự cân bằng thương mại mong muốn.
Theo Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh, mục tiêu xuất khẩu năm 2025 của Việt Nam là tăng 12%, tương đương 450 tỷ USD. Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế cao có thể gây tác động tiêu cực đến mục tiêu này.
Trong bối cảnh thị trường Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường sẽ là rủi ro lớn. Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần: Tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tìm kiếm cơ hội tại các thị trường tiềm năng khác ngoài Mỹ…
Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để khai thác 87% thị trường còn lại trên thế giới. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới, hạn chế rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại.
Quý I/2025 đã khép lại với những dấu ấn tích cực trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, đặc biệt là từ chính sách thuế quan của Mỹ. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2025, Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Với sự nỗ lực của các bộ, ngành và doanh nghiệp, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại