Thứ sáu 24/01/2025 16:35

Quyền không bị tra tấn là một trong các quyền cơ bản của con người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948, quyền không bị tra tấn được pháp luật quốc tế công nhận là một trong các quyền cơ bản của con người.
Quyền không bị tra tấn là một trong các quyền cơ bản của con người. Ảnh minh họa
Quyền không bị tra tấn là một trong các quyền cơ bản của con người. Ảnh minh họa

Theo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Cộng hòa Pháp, các quyền cơ bản của con người gồm: quyền tự do, bình đẳng về phẩm giá và các quyền không bị phân biệt, đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay quan điểm khác, dân tộc hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nòi giống hay các vấn đề khác; quyền được sống, không bị bắt làm nô lệ và nô dịch; không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục; quyền được thừa nhận tư cách như một con người trước pháp luật ở bất cứ nơi nào; quyền được xét xử theo pháp luật;

Quyền được tự do không bị bắt giữ vô cớ, bị giam cầm hoặc đầy ải; quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập, không thiên vị; quyền được coi là vô tội cho đến khi hành vi phạm tội được chứng minh; tự do không bị can thiệp vô cớ vào đời tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín; tự do cư trú và thay đổi nơi ở; quyền được tỵ nạn; quyền có quốc tịch; quyền được kết hôn và xây dựng gia đình; quyền được sở hữu tư nhân về tài sản; tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; tự do ý kiến và biểu đạt; quyền được lập hội và hội họp hòa bình…

Như vậy, quyền không bị tra tấn được pháp luật quốc tế công nhận là một trong các quyền cơ bản của con người.

Việt Nam gia nhập Công ước chống tra tấn từ năm 1982, từ đó đến nay, Việt Nam đã nỗ lực nội luật hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để phù hợp với quy định của Công ước chống tra tấn.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định mọi người không bị tra tấn, bạo lực với việc bổ sung nội dung này trong quy định tại khoản 1 Điều 20, theo đó: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, tại một số văn bản luật được ban hành trong thời gian qua đã có sự sửa đổi, bổ sung đáng kể để phù hợp với tinh thần của Công ước chống tra tấn. Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã tiếp tục quy định về hành vi dùng nhục hình, bức cung trong hoạt động tư pháp, đồng thời đã có sự sửa đổi, bổ sung đáng kể để phù hợp với tinh thần của Công ước chống tra tấn.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các nguyên tắc: nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11).

Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về việc cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 4 và Điều 8).

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Điều 14)...

Việt Nam nỗ lực triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn
Các nước phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn
Quang Trung
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động