Thứ năm 23/01/2025 06:01
Hà Nội

Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay, hầu hết tại các chợ dân sinh, các cửa hàng tạp hóa… trên địa bàn TP Hà Nội hầu hết đều được trang bị mã QR code, không cần dùng tiền mặt, không cần thẻ, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể thanh toán ngay lập tức.
Các hộ kinh doanh sử dụng mã QR code thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh buôn bán tại chợ truyền thống tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy
Các hộ kinh doanh sử dụng mã QR code thực hiện chuyển đổi số trong kinh doanh buôn bán tại chợ truyền thống tại Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Năm 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm; doanh số thương mại điện tử B2C chiếm 13% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng số; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 55%.

TP cũng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 70%.

Trong khai thuế, nộp thuế điện tử, TP duy trì tỷ lệ DN thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt 100%. Hoàn thuế điện tử 100% DN thuộc đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng trường hợp xuất khẩu, đầu tư đăng ký sử dụng dịch vụ hoàn thuế điện tử; 100% số DN, tổ chức đăng ký phát hành hóa đơn điện tử.

Cùng với đó, TP duy trì tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 100%; duy trì tỷ lệ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đạt 100%; khuyến khích DN hình thành và phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới…

Để hoàn thành các mục tiêu này, UBND TP cũng giao Sở Công Thương hỗ trợ các hợp tác xã, DN, cá nhân mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng…; phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, tổ chức tập huấn cho tổ chức, cá nhân, DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Đồng thời, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện, đơn vị liên quan phổ biến, hướng dẫn cá nhân, hộ kinh doanh, thương nhân đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% các chợ, các tuyến phố hoạt động thương mại trên địa bàn TP có sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và tổ chức cá nhân DN hiểu rõ tác dụng của thanh toán không tiền mặt. Sở cũng khuyến khích các đơn vị niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giải đáp thắc mắc cho khách hàng; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng nét đẹp văn hóa trong tiêu dùng của Thủ đô ngày càng văn minh.

Chị Vũ Thu Hà, chủ một quán ăn trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) cho biết, từ sau dịch COVID-19, hầu hết khách mua hàng đều thanh toán không sử dụng tiền mặt, kể cả đơn hàng vài chục nghìn tới vài trăm nghìn. Để thuận tiện cho khách thanh toán chị dã in, dán mã QR Code tại bàn, trước quầy, trước cửa hàng và ở vị trí khách dễ xem nhất, hình thức thanh toán này rất tiện lợi cho cả người bán và người mua.

Trước đó, quận Hoàn Kiếm được TP Hà Nội chọn để thí điểm xây dựng các tuyến phố không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, Hoàn Kiếm là một trong các đơn vị dẫn đầu về thu ngân sách của TP với các khoản thu thuần túy là tài chính, thương mại, dịch vụ, vì vậy, việc thanh toán không tiền mặt là nhu cầu tự nhiên của người dân, DN trên địa bàn quận. Quận sẽ chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống… để gắn biển công nhận “tuyến phố không dùng tiền mặt”, từ đó nhân rộng trên địa bàn.

Tại huyện Đông Anh, tuyến phố 4.0 “Thanh toán không dùng tiền mặt” đã được triển khai đồng loạt tại các điểm chợ, siêu thị trên địa bàn xã Vân Hà và xã Cổ Loa. Theo đó, các tiểu thương, hộ kinh doanh được hỗ trợ tạo tài khoản, mã QR thanh toán trực tuyến. Đồng thời, hướng dẫn những kiến thức cơ bản về thanh toán điện tử.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hà Nội và Sở Công Thương cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua đã diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, với quyết tâm đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành TP thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo kế hoạch về việc chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng 2030, TP đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển hóa đơn điện tử, biên lai điện tử. Khuyến khích các ngân hàng, DN trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng trên địa bàn TP đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển, cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, giá trị thiết thực cho người dân, DN…
Hà Nội đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ y tế
Quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động