Thứ sáu 24/01/2025 03:56

Thí sinh nên chọn ngành học như thế nào cho đúng trong kỳ tuyển sinh 2022

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng lại có những ngành nghề được cho là ngành “hot” do được nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng. Tuy nhiên, lựa chọn ngành học sao cho phù hợp với năng lực bản thân và sự phát triển của xã hội thì không phải thí sinh nào cũng biết và đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.
Thí sinh nên chọn ngành học như thế nào cho đúng trong kỳ tuyển sinh 2022
Theo các chuyên gia, thí sinh không nên chạy theo các ngành "hot" mà nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sự yêu thích của bản thân. (Ảnh: Khánh Huy)

Ngành nào sẽ là ngành “hot” mùa tuyển sinh năm nay?

Theo số liệu phân tích từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) về những ngành nhiều thí sinh đăng ký nhất mùa tuyển sinh 2021, các khối ngành như: An ninh Quốc phòng, Báo chí và thông tin, Nghệ thuật, Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân, Khoa học xã hội và hành vi có số lượng thí sinh đăng ký NV1/chỉ tiêu cao nhất.

Cũng theo đánh giá của Vụ Giáo dục đại học, việc thí sinh đăng ký tập trung vào 1 số nhóm ngành thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, giai đoạn đó (ngành hot, thu nhập cao), thể hiện nguyện vọng của thí sinh và thể hiện phần nào nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế. Sự thay đổi xu hướng đăng ký ngành nghề thể hiện sự dịch chuyển của cơ cấu nền kinh tế và nhu cầu thị trường.

Tại chương trình Tư vấn tuyển sinh “Chọn chuẩn trường – Đi chuẩn đường” do Cổng tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp tổ chức, PGS. Vũ Duy Hải, Phó trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trường ĐH Bách khoa đã đưa vào tuyển sinh một số chương trình đào tạo mới từ năm 2021 như: An toàn không gian số, Kỹ thuật đa phương tiện, Tài nguyên môi trường, Vật lý y khoa.

Đặc biệt, năm nay trường bắt đầu triển khai chương trình đào tạo chuẩn ngành Kỹ thuật y sinh (chương trình đào tạo tiếng Việt). Ngành này đã được trường triển khai đào tạo từ những năm trước đây nhưng dưới dạng chương trình đào tạo tiếng Anh. Ngành Kỹ thuật y sinh nghiên cứu những ứng dụng của thành tựu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Cán bộ phòng Tuyển sinh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội đang đào tạo nhiều ngành, CTĐT bám sát với nhu cầu thực tế, một số ngành “hot” những năm gần đây như: Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Kỹ thuật ô tô, Cơ điện tử, hay các ngành Kinh tế như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Phân tích kinh doanh,…

Còn theo TS. Trần Bá Trình - Phó trưởng phòng Đào tạo ĐHSPHN, các ngành Sư phạm truyền thống: ngành Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm Tiếng Anh vẫn luôn là những ngành được đông đảo thí sinh lựa chọn bởi đây là những môn học bắt buộc trên ghế nhà trường, số tiết học nhiều hơn cả so với các môn khác, do đó chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên các môn này thường rất cao.

Ngoài ra, Ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục mầm non - SP Tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học tại các trường tư thục luôn ở mức cao.

Bên cạnh đó, Nhà nước hiện nay đang khuyến khích dạy các môn THPT bằng tiếng Anh nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ của học sinh, gia tăng nhu cầu về giáo viên có khả năng giảng dạy các môn bằng tiếng Anh.

Lựa chọn ngành sao cho đúng?

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Cán bộ phòng Tuyển sinh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhiều học sinh, phụ huynh vẫn cho rằng ngành hot sẽ mang lại cơ hội việc làm tốt. Tuy nhiên theo cô Hằng, việc lựa chọn ngành nghề không nên chỉ là cuộc chạy đua theo những ngành “hot”, các em cần lựa chọn ngành nghề sao cho phù hợp với năng lực, sự yêu thích của bản thân.

Cùng quan điểm, PGS. Vũ Duy Hải nhấn mạnh, khi quyết định mở mới hay giữ lại bất cứ ngành đào tạo nào, nhà trường cũng đã có sự phân tích, khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu việc làm, định hướng tương lai cũng như sự phát triển của nghề nghiệp so với tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, tất cả các chương trình đào tạo mà trường đại học thông báo tuyển sinh đều đem lại cho người học những cơ hội việc làm nhất định.

“Ngành học nào cũng chứa đựng tiềm năng riêng. Thay vì cứ chạy theo ngành “hot”, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, các em nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng. Tôi cho rằng, ưu tiên số 1 khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích của bản thân; sau đó là sự cân nhắc, tính toán về năng lực. Trước khi chọn ngành nghề, các em cũng cần tìm hiểu xem học phí của chương trình đào tạo có phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình hay không, từ đó đưa ra các quyết định xem mình nên chọn ngành học nào cho phù hợp nhất”, PGS. Vũ Duy Hải chia sẻ thêm.

TS. Hoàng Kim Huệ - Giảng viên khoa Quản lí Giáo dục Đại học Sư phạm Hà Nội nhắn nhủ với các em thí sinh đang bước vào giai đoạn chọn ngành, chọn trường: “Theo nghiên cứu của Holland, việc chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng sự thỏa mãn của người đó trong công việc. Do đó, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân, xem xét yếu tố năng lực. Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, tại môi trường làm việc em mong muốn để có định hướng phù hợp”.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động