Thứ năm 23/01/2025 03:05
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực:

Thực hiện hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2024, công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được triển khai thực hiện nền nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, bám sát các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, nhiệm vụ giao tại các đề án trong lĩnh vực này và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ

Cán bộ, công chức bộ phận một cửa quận Hoàn Kiếm, Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh: PV)

Theo báo cáo của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, trong lĩnh vực hộ tịch, thể chế pháp luật tiếp tục được chú trọng, hoàn thiện; việc triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” được tập trung triển khai thực hiện, nổi bật là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử tiếp tục được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ được toàn ngành triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, điển hình là việc số hóa sổ hộ tịch và thực hiện liên thông 02 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, việc liên thông các nhóm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và đăng ký kết hôn...

Qua đó, góp phần giúp cho người dân ngày càng thuận lợi trong việc thực hiện các quyền dân sinh. Bên cạnh đó, Bộ, ngành Tư pháp tập trung hoàn thành các nhiệm vụ tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.

Về công tác quốc tịch, năm 2024, Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước 2.922 hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam; 10 hồ sơ xin nhập và 54 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam; trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 3.528 trường hợp.

Công tác chứng thực được Bộ, ngành Tư pháp thực hiện nghiêm, hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân... theo đúng quy định của pháp luật, qua đó góp phần đảm bảo giá trị pháp lý của giấy tờ, tài liệu. Năm 2024, trên toàn quốc đã chứng thực hơn 76 triệu bản sao (tương đương cùng kỳ năm 2023); thực hiện được gần 9,5 triệu việc chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trong năm 2025, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành; triển khai hiệu quả Dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch” theo lộ trình đã được phê duyệt; thực hiện có hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch hành động của Bộ Tư pháp triển khai Đề án 06; đề xuất, mở rộng phạm vi triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm liên thông dữ liệu cấp giấy chứng sinh, iấy báo tử, thông tin tử vong để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên môi trường điện tử”;

Nghiên cứu, đề xuất các định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên môi trường điện tử phù hợp với chủ trương chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2025 - 2030.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Tiểu Đề án 2 giai đoạn 2024-2025; Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài, đang cư trú tại Việt Nam, người di cư được đăng ký khai sinh và cấp giấy tờ về quốc tịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết thủ tục hành chính về quốc tịch...

Đồng thời, triển khai có hiệu quả việc thực hiện chứng thực theo quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2024 của Chính phủ; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Năm 2024, các địa phương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 1.435.566 trường hợp (giảm 7,8% so với năm 2023); đăng ký khai sinh lại cho 434.902 trường hợp (giảm 18% so với năm 2023); đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài cho 8.652 trường hợp; đăng ký khai tử cho tổng số 654.031 trường hợp (giảm 1,2% so với năm 2023); đăng ký kết hôn cho tổng số 616.475 trường hợp (giảm 3,6% so với năm 2023); đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 25.408 trường hợp chia theo giới tính công dân Việt Nam cư trú trong nước (tăng 2,4% so với năm 2023).

Quận Đống Đa, Hà Nội: thực hiện chuyển đổi số trong công tác tư pháp Quận Đống Đa, Hà Nội: thực hiện chuyển đổi số trong công tác tư pháp
Công tác hòa giải cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ Công tác hòa giải cơ sở đã đạt được những kết quả đáng khích lệ
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động