Thứ sáu 24/01/2025 05:15

Tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động Thủ đô lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Minh.

Chủ trì hội nghị gồm: Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đặng Thị Phương Hoa.

Mức lương tối thiểu tăng gần 6%

Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, từ ngày 1/1/2023 mức lương tối thiểu tháng trả cho người lao động tăng bình quân xấp xỉ 6%, điều này đã hỗ trợ công nhân lao động giảm bớt những khó khăn hơn; thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức thu nhập của người lao động như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí (như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... đặc biệt với công nhân lao động đang làm việc ở trong các Khu công nghiệp và chế xuất còn khó khăn hơn).

Về vấn đề nhà ở của công nhân lao động Khu công nghiệp, hiện nay, dự án nhà ở của TP chỉ đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động, còn lại trên 70% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao... Do vậy, công nhân lao động rất mong muốn được mua nhà ở xã hội, với giá mua phù hợp để an cư, lập nghiệp.

Tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Minh.

Đến nay số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) của TP tăng 7,8% so với năm 2022 (trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi). Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH còn cao, nhiều doanh nghiệp nợ, trốn đóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tính đến tháng 8/2023, có trên 83 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH-BHYT-Bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 5.300 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến chế độ chính sách của trên 1,1 triệu người lao động.

Cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Góp ý về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cử tri Nguyễn Trung Kiên cho hay, để đạt được mục tiêu tới năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển ngang tầm các nước phát triển trên thế giới thì vấn đề pháp lý về thu hút sử dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá bảo đảm cho sự thành công. Tuy nhiên trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới thể chế hóa các nội dung về thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong 2 Điều (Điều 17, 18).

Cùng với đó trong dự thảo Luật dành hẳn Chương IV quy định về “Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ Đô”, trong khi nguồn nhân lực để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô” được đề cập trong dự thảo Luật còn khá khiêm tốn.

Tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Cử tri phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Minh.

Cử tri đề nghị Nguyễn Trung Kiên đề nghị, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung 1 Chương về “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút, sử dụng nhân tài” có như vậy mới thể chế hóa được chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào dự thảo Luật; góp phần đưa Thủ đô phát triển bền vững và toàn diện.

Các cử tri cũng đề nghị trong Dự thảo Luật Thủ đô cần có quy định về các điều kiện thể chế, cơ chế, chính sách lớn và nguồn lực cơ bản bảo đảm phát triển Thủ đô đúng tầm đã được xác định, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm bảo đảm từ Trung ương và cả nước; trách nhiệm của Hà Nội; các thể chế, cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù, đặc biệt là thể chế, cơ chế vượt trước cả nước, qua đó, tạo động lực phát triển mới mạnh mẽ thực chất...

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri và cho biết, những ý kiến của cử tri đã được thư ký đoàn tổng hợp để phân loại theo nhóm vấn đề. Trên cơ sở đó gửi tới các cơ quan hữu quan nhằm trao đổi, giải đáp thấu đáo với cử tri. Đoàn đại biểu Quốc hội TP mong muốn thời gian tới tiếp tục lắng nghe, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cử tri gửi đến đoàn.

Một đô thị thân thiện với cư dân thì không thể tắc nghẽn giao thông Một đô thị thân thiện với cư dân thì không thể tắc nghẽn giao thông

Góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động