Tình huống pháp lý vụ việc cầm kiếm đe dọa “tình địch” trên sân bóng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên![]() |
Nhóm thanh niên cầm kiếm đe dọa tình địch trên sân bóng bị triệu tập tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Ninh Bình |
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Ninh Bình đang điều tra, làm rõ sự việc mâu thuẫn xảy ra tại sân bóng Hưng Phương, xóm 6 Đồng Nhân, xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô.
Theo đó, khoảng 16h30 ngày 22/2, tại sân bóng Hưng Phương xảy ra vụ việc mâu thuẫn giữa một nhóm thanh thiếu niên cầm theo hung khí với một thanh niên khác. Vụ việc sau đó được đưa lên mạng xã hội lôi cuốn sự chú ý của dư luận, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Giám đốc công an tỉnh, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự phối hợp Công an xã Khánh Thượng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm. Công an sau đó đã triệu tập nhóm thanh thiếu niên.
Kết quả điều tra ban đầu, cơ quan công an đã có căn cứ, tài liệu khẳng định: do có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm yêu đương (2 thanh niên cùng yêu một người) nên Đinh Quang M, SN 2007, trú tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, TP Hoa Lư và Tống An K, SN 2008, trú tại xóm Trong, xã Yên Nhân, huyện Mô đã nảy sinh mâu thuẫn cá nhân.
Trước đó, khoảng 16h30 ngày 22/2, khi phát hiện Tống An K đang chơi bóng tại sân Hưng Phương, Đinh Quang M đã rủ thêm 8 thanh niên khác, sinh năm từ 2004 đến 2009, đến từ xã Yên Sơn, TP Tam Điệp và xã Khánh Thượng, để đến gặp và dằn mặt Tống An K.
Sau đó, M cầm theo kiếm cùng 4 người khác xông vào sân bóng tìm K và lôi nạn nhân về phía cuối sân. Tại đây, 2 đối tượng dùng chân tay đánh K, còn M cầm kiếm đe dọa, uy hiếp bắt Tống An K quỳ xuống xin lỗi. Do được mọi người can ngăn, Đinh Quang M và các đối tượng rời khỏi hiện trường.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc.
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mọi công dân, đặc biệt ở những nơi công cộng. Sân bóng đá là không gian hoạt động thể thao và văn hóa, là nơi mọi người phải tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ các quy tắc cộng đồng. Bởi vậy, hành vi đe dọa và tấn công của nhóm thanh niên trên sân bóng đá, nếu gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, có thể bị xử lý hình sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích, hành vi đánh người hoặc đe dọa tính mạng, sức khỏe của người khác tại nơi công cộng sẽ được coi là hành vi gây rối trật tự công cộng. Điều này ảnh hưởng đến an toàn công cộng và các quyền lợi hợp pháp của người khác.
Tùy theo tính chất và mức độ của vi phạm cũng như hậu quả của hành vi, người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ phụ thuộc vào tính chất của hành vi và hậu quả xảy ra. Nếu hành vi không gây hậu quả nghiêm trọng và không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, mức phạt có thể từ 5 đến 8 triệu đồng theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Đặc biệt, những hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm tại nơi công cộng đã bị xử lý hình sự trong nhiều trường hợp do bị ghi lại và lan truyền trên mạng, gây phẫn nộ trong xã hội.
“Trong xã hội văn minh, hành vi dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn là không thể chấp nhận, đặc biệt khi gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Bên cạnh đó, đối với trường hợp hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa nạn nhân, nếu việc này lan truyền trên mạng và gây bức xúc dư luận, cơ quan chức năng sẽ xử lý nhóm đối tượng về tội "Gây rối trật tự công cộng””, luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho biết thêm, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định, dao có tính sát thương cao sẽ được coi là vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, tùy theo mục đích sử dụng. Cụ thể, dao dùng để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối trật tự công cộng hoặc chống đối người thi hành công vụ sẽ được coi là vũ khí thô sơ; dao dùng để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật sẽ được coi là vũ khí quân dụng; dao sử dụng cho lao động, sản xuất hoặc sinh hoạt hàng ngày không được coi là vũ khí.
“Vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều thanh niên khi thiếu tôn trọng người khác, coi thường pháp luật, khi mâu thuẫn lại không lựa chọn cách giải quyết phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội”, chuyên gia pháp lý cho hay.
![]() | Bài học cảnh giác từ vụ mê “đắc đạo thành tiên” |
![]() | Trách nhiệm pháp lý vụ người chồng dùng kiếm đâm chết vợ |

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại