Tính sai giá là hành vi lừa dối khách hàng được quy định trong Bộ Luật hình sự
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước buộc phải thực hiện Chỉ thị 16 CP về giãn cách xã hội. Nhiều chợ truyền thống bị đóng cửa, trong khi nhu cầu sử dụng cũng như tích trữ về lương thực, thực phẩm tăng cao khiến nhiều các chuỗi siêu thị đôi khi khó khăn trong việc ngay lập tức cung ứng. Việc khan hiếm tạm thời này càng khiến nhu cầu trong dân lên cao. Lợi dụng việc này, nhiều các chuỗi siêu thị đã tăng giá, thậm chí tính giá sai cho người tiêu dùng.
Mới đây, một khách hàng ở Long An đi mua tại Bách Hóa Xanh đã bị tính gian lên gần gấp đôi mọi thứ. Cụ thể, người này mua 0,75kg sản phẩm thịt đùi, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,3kg; mua 0,6kg cá nục, nhân viên cửa hàng tính tiền 1,2kg; mua 1kg sản phẩm cá basa, nhân viên tính 1,6kg.
Theo Đoàn kiểm tra liên ngành Tp Tân An (Long An), sau khi khách hàng phản ánh, nhân viên thanh toán tiền cửa hàng Bách Hóa Xanh nêu trên cũng đã trả lại tiền tính chênh lệch cho khách là 166.000 đồng
Về câu chuyện này, theo Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc tính gian trong câu chuyện trên có thể quy về hành vi lừa dối khách hàng, được quy định rõ trong Bộ Luật hình sự. Theo đó, trong các giao dịch mua bán, quyền lợi của khách hàng (người mua) phải luôn được người cung cấp dịch vụ, sản phẩm (người bán) tôn trọng.Để đảm bảo nguyên tắc này, pháp luật cũng đã quy định rất rõ về chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi lừa dối khách hàng.
Cụ thể, điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1-1-2018) quy định về tội lừa dối khách hàng như sau: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Hành vi trên tùy thuộc từng trường hợp xử phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Cơ quan chức năng kiểm tra việc niêm yết giá tại một cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu. Ảnh minh họa |
Trước đó, ngày 17-7, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.
Cụ thể, sản phẩm cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; sản phẩm cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; sản phẩm cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.
Tiếp theo, ngày 18-7, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1, Cục QLTT Đăk Lăk khi hành kiểm tra tại cửa hàng Bách Hóa Xanh (địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột) cũng phát hiện cửa hàng này bán hàng không niêm yết giá; một số chủng loại có giá bán cao hơn so với giá niêm yết. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính hai hành vi trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn, chuối cửa hàng Bách Hóa Xanh đã liên tiếp vi phạm những hành vi liên quan đến giá cả. Trong thời điểm người dân đang khó khăn về dịch bệnh, nhiều những cá nhân, doanh nghiệp đang đồng hành và chia sẻ với người dân thì việc làm của chuỗi cung ứng dịch vụ này là được xem là đang đi ngược lại với đạo lý thời cuộc.
Ngoài việc vi phạm luật pháp thì Bách Hóa Xanh cũng đang tự mình phá hủy đi thương hiệu, lòng tin của khách hàng đối với các chuỗi cung ứng của mình. Trong thời điểm càng khó khăn, đáng lẽ doanh nghiệp càng cần phải chia sẻ với khách hàng. Bởi lẽ, doanh nghiệp muốn giữ được uy tín lâu dài với người tiêu dùng thì phải xây dựng hình ảnh từ khi mới tham gia thị trường, đi cùng người tiêu dùng trong những thời điểm khó khăn nhất. Có như vậy người tiêu dùng mới thật sự cảm phục và có ấn tượng lâu bền với doanh nghiệp.
Hơn nữa, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã khẳng định sẽ không thiếu nguồn cung ứng về lương thực. Chính vậy, người dân không nên cuống cuồng tích trữ, điều đó dễ tạo ra những khan hiếm giả, cũng là thời cơ để gian thương lợi dụng, tăng giá…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại