Thứ năm 23/01/2025 20:23

Tổ trưởng tổ hoà giải chia sẻ những câu chuyện “khó quên”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hơn 20 năm làm công tác hòa giải, bà Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1960), Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố số 1, Miêu Nha, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) không còn nhớ mình đã hòa giải bao nhiêu vụ. Bà chỉ biết rằng, kinh nghiệm, kiến thức hòa giải của bà không chỉ học từ sách vở, mà còn được tích lũy từ chính những tình huống, những vụ việc hòa giải bà đã từng trải qua.
Tổ trưởng tổ hoà giải chia sẻ những câu chuyện “khó quên”
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố số 1, Miêu Nha, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

Bà Nguyệt kể, Tây Mỗ trước đây là một mảnh đất ven đô, người dân sống và gắn bó với nhau bằng tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, nên ít phát sinh những mâu thuẫn phức tạp. Tuy nhiên, từ khi huyện trở thành quận, làng quê bỗng mang tên phố cùng với những thay đổi, phát triển hạ tầng, cùng với sự biến động về dân số mới có thêm những mâu thuẫn phức tạp hơn. Nhưng có lẽ bởi đã quen với nếp sống tình nghĩa xa xưa, những cuộc hòa giải của bà vẫn cứ nặng chữ tình hơn chữ lý.

Làm công tác hoà giải đã lâu, bản thân bà cũng đã trải qua hằng trăm cuộc hòa giải lớn bé, vậy mà có lúc vẫn gặp phải những “tai nạn nghề nghiệp”.

Bà Nguyệt còn nhớ như in câu chuyện về cặp vợ chồng hàng xóm vốn là dân ngoại tỉnh, lên đây thuê nhà ở để đi làm việc. Câu chuyện mâu thuẫn chắc cũng âm ỉ từ lâu nay, nên cứ thỉnh thoảng lại thấy cặp vợ chồng ấy hục hặc. Và câu chuyện buổi chiều hôm ấy chắc cũng chỉ là giọt nước tràn ly. “Lúc ấy tôi đang ở trong nhà, bỗng nghe thấy hàng xóm xôn xao vì có cặp vợ chồng đang đánh chửi nhau ngoài ngõ.

Theo nguyên tắc thì có đơn hòa giải viên mới vào cuộc, thế nhưng câu chuyện ngay tức thì xảy ra thì tôi cũng cứ theo “thói quen” mà xử lý. Thế là công cuộc hòa giải bắt đầu bằng cái cách tôi chạy ngay ra chỗ đôi vợ chồng kia đang cãi vã. Vừa lúc chạy ra thì anh chàng kia giơ tay lên định đánh vợ, cũng theo bản năng tôi liền đứng chắn trước người vợ để can ngăn thì ăn ngay cú thụi của anh chồng. Cũng may sau khi phát hiện ra đánh nhầm thì anh chồng cũng dừng tay và tỏ ra vô cùng áy náy. Vì thế mà tôi kịp đưa ra đôi lời phân tích, hòa giải cái câu chuyện éo le ấy”, bà Nguyệt nhớ lại.

Ấy thế nhưng cú đấm nhầm của anh chồng nọ cũng khiến bà Nguyệt đau ê ẩm. Bà bảo, may mà không có vấn đề gì, chứ nếu không chắc ông nhà bà cũng sẽ trách bà suốt. “Đấy cũng là một kinh nghiệm cho hòa giải viên. Không phải lúc nào cứ liều lĩnh xông vào khi “lửa đang cháy” cũng là điều tốt. Bởi như thế chưa chắc đã giải quyết được việc mà có khi mình còn bị vạ lây”, bà nói. Và theo bà, việc nắm bắt rõ tình hình, lên phương án để hòa giải và tránh mọi va chạm là điều rất cần thiết cho mỗi hòa giải viên khi bắt đầu một vụ việc cần hòa giải.

Câu chuyện hòa giải của bà Nguyệt bắt đầu từ một “kinh nghiệm đau thương” như thế. Bà cho rằng, trong công việc hòa giải của bà, ngoài những kiến thức pháp luật bà đọc trong sách, học theo những tình huống của những hòa giải viên khác được đăng trên báo thì chính những vụ việc hòa giải thực tế bà đã kinh qua đã là nguồn kinh nghiệm, cũng như những ví dụ thực tế nhất trong câu chuyện về nhận thức và phổ biến pháp luật.

Và với bà Nguyệt, hòa giải đối với bà không phải chỉ là chuyện của người khác, mà đôi khi, đó chính là những mâu thuẫn nội tại của chính gia đình mình, giữa gia đình mình và hàng xóm vốn tối lửa tắt đèn có nhau. Bà kể, đã từng có lúc, bà vào vai hòa giải viên cho chính gia đình bà và gia đình nhà hàng xóm.

Vốn đất nhà bà với nhà hàng xóm đều là đất do cha ông để lại. Hai nhà cũng ở cạnh nhau bao nhiêu năm trời không có khúc mắc gì. Cho đến khi mà cả hai nhà cùng xây nhà, lúc ấy mới xảy ra mâu thuẫn. Bình thường không sao, lúc ấy mới soi xét, so bì từng cm đất. Tình nghĩa xóm giềng bao nhiêu năm nay từ đó mà có nguy cơ sứt mẻ.

“Hòa giải người ta nhiều, giờ đến lượt nhà mình không lẽ lại cứ thế xảy ra mâu thuẫn. Thế nên tôi cũng bắt đầu vận dụng kinh nghiệm để sang nói chuyện với hàng xóm. Nhà ông xây nhà thì nhà tôi cũng thế, mỗi bên nhường nhau một chút, mỗi nhà bớt đi một chút sẽ êm đẹp cả hai. Chứ cãi cọ nhau không ích gì lại mất tình đoàn kết. Đưa nhau ra pháp luật càng dở hơn vì không bên nào được cái lợi gì. Thế rồi gia đình hai bên cũng ngồi lại, cùng nhau thống nhất… Câu chuyện rồi cũng êm đẹp. Sau này, gia đình bên ấy có việc gì lớn thì bao giờ họ cũng báo cho tôi, và tôi cũng không nề hà mà sang cùng họ giải quyết công việc như việc của nhà mình”, bà kể.

Theo bà Nguyệt, việc hòa giải không bất kể nhà ai. Bởi thường cái mâu thuẫn trong cuộc sống có rất nhiều, có thể xảy đến với bất kỳ gia đình nhà nào. Hòa giải cho bà con lối xóm, người dân trong tổ dân phố cũng là hòa giải. Hòa giải chính gia đình mình và nhà bên cạnh cũng là hòa giải.

Làm công tác hòa giải cũng không nhàn hạ như người ta nghĩ, bà Nguyệt bảo. Bởi lẽ mỗi khi có một sự việc, ngoài việc tìm hiểu căn nguyên, hòa giài viên phải tìm hiểu, trau dồi thêm kiến thức về pháp luật. Bởi lẽ, người dân bây giờ có tri thức tốt hơn, nhận thức về pháp luật của họ rất tốt. Hòa giải viên khi đến phân tích mà nói sai thì chẳng ai nghe. Thế nên ngoài những buổi tập huấn, các hòa giải viên như bà Nguyệt luôn phải cập nhật, nâng cao kiến thức hoà giải, pháp luật thông qua báo đài, tủ sách pháp luật…

“Công việc của hòa giải viên cũng nhiều niềm vui, nhưng cũng có những nỗi vất vả rất riêng. Bởi chuyện đi sớm, về khuya là chuyện thường. Cũng có lúc đêm hôm có cuộc điện thoại đến là phải bước chân đi ngay. Nói nguy hiểm thì cũng không hẳn, nhưng cũng có rủi ro. Nhỡ đêm hôm gặp vụ việc như hòa giải người ta trong lúc say rượu thì cũng khó nói. Tôi cũng đã gặp vụ việc như thế rồi. Lần ấy về, ông nhà tôi cứ trách mãi”, bà Nguyệt chia sẻ.

Hòa giải viên là cái công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bà Nguyệt nói vui như thế. Bởi thế nên nếu hòa giải viên thiếu đi cái nhiệt huyết, thiếu đi trách nhiệm là khó có thể gắn với công việc. Cũng may, bà Nguyệt vui vẻ, bà được gia đình các con cũng như chồng động viên và hỗ trợ nhiều về tinh thần, đấy cũng là một trong những “bí kíp” để hòa giải viên như bà thành công trong công việc.

“Nhiều khi đi hòa giải vụ việc về muộn, vừa về đến sân đã nghe thấy tiếng ông nhà kêu: Cán bộ về rồi kìa, mấy đứa dọn cơm ra cho cán bộ ăn! Nghe vậy thôi đã thấy vui vẻ và đầy tự hào với cái công việc tưởng chừng như ôm rơm dặm bụng ấy”.

Tổ trưởng tổ hòa giải thành công nhờ phương châm “mưa dầm thấm lâu”
Phân tích về đất "giọt gianh", hoá giải bức xúc của hai hộ
Tổ trưởng tổ hòa giải gần 20 năm trong "nghề"
Tổ trưởng tổ hòa giải nhiệt tình kết hợp dân vận khéo
Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động