Thứ sáu 24/01/2025 00:34

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi: Người dân cảnh giác với các chiêu thức “lợi nhuận cao”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên tiếp những ngày gần đây, các cơ quan CSĐT đã nhận được tin báo án về việc nghe điện thoại hoặc các hình thức “giả danh” lừa đảo khác. Mặc dù đã cảnh báo nhiều lần, nhưng vẫn có những người dân bị chiếm đoạt tài sản, mất tiền cho các hành vi lừa đảo tinh vi. Cơ quan công an đặc biệt khuyến cáo người dân về các chiêu thức quảng cáo “siêu lợi nhuận” ở trên môi trường mạng
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi: Người dân cảnh giác với các chiêu thức “lợi nhuận cao”
Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, các đối tượng lập nhiều website giả danh các ngân hàng, các trang mua sắm trực tuyến khiến nhiều người sử dụng bị lừa (Ảnh minh họa)

Công an TP HCM đang xác minh 196 tin liên quan đến lừa đảo

Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tính từ ngày 25/5/2021 đến ngày 24/5/2022, trên địa bàn xảy ra 364 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Công an TP đã điều tra khám phá 157 vụ, bắt giữ 106 đối tượng.

Đến ngày 7/7, lực lượng chức năng đang xác minh 196 tin báo liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt khoảng 2.385 tỷ đồng.

Theo Cơ quan Công an, các phương thức thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là dùng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, cán bộ hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội (hack) của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền.

Các đối tượng còn lập trang web đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội rao bán các mặt hàng, sau đó lừa các bị hại chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện hăm dọa nạn nhân có liên quan tới một vụ án và yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra…

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã tiếp nhận và xử lý 1.236 tin báo liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, Cơ quan điều tra đã khởi tố 122 vụ với 85 bị can, tạm đình chỉ 265 vụ, không khởi tố 275 vụ, đang xác minh 574 tin với số tiền chiếm đoạt khoảng 58 tỷ đồng.

Hà Nội xuất hiện liên tiếp các vụ giả danh lừa đảo

Cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phùng Đăng Vũ (SN 2003; HKTT: Phú Phương, Ba Vì, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

​Do không có việc làm nên Vũ đã nảy sinh ý định giả danh nhân viên tín dụng ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Vũ đăng viết trong các hội nhóm Facebook với nội dung hỗ trợ mở thẻ tín dụng, nâng hạn mức cho khách hàng có nhu cầu. Ngày 25/6/2022, chị Nguyễn N (SN 1995; HKTT: Chương Mỹ, Hà Nội) đã liên lạc với Vũ về thủ tục mở thẻ tín dụng. Ngày 27/6/2022, Vũ và chị N hẹn gặp nhau tại quán nước phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.

Tại đây, đối tượng yêu cầu chị N đăng nhập tài khoản ngân hàng trên ứng dụng bằng điện thoại của Vũ. Sau đó Vũ đã tạo mật khẩu mới để có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân rồi chuyển khoảng 55 triệu đồng từ tài khoản của chị N sang tài khoản của mình và nói đây là giao dịch bắt buộc, khi làm được thẻ Vũ sẽ chuyển trả lại. Tuy nhiên, đối tượng đã không làm được thẻ và sử dụng số tiền đã chiếm đoạt của chị N để chi tiêu cho bản thân.

Trước đó, công an quận Hoàn Kiếm đã làm rõ, bắt giữ một số đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, gồm: Đoàn Trần Lê Hoàng (SN: 2000, HKTT: H.Chiêm Hóa – T.Tuyên Quang); Vũ Văn Khôi (SN: 1994; HKTT: H.Chiêm Hóa – T.Tuyên Quang); Lê Văn Thành (SN: 1996; HKTT H.Vũ Thư – T.Thái Bình); Nông Văn Hưng (SN: 20/4/2005; HKTT: H. Cư Jut, Đắk Nông); Nguyễn Ánh Hào (SN: 21/04/2001; HKTT: Ứng Hòa, Hà Nội); Phan Trí Đạt (SN: 1996; HKTT: Xuyên Mộc, Bà Rìa – Vũng Tàu).

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng phòng Cảnh sát hình sự; phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố thu thập củng cố tài liệu chứng cứ, bước đầu làm rõ: Chỉ trong tháng 2/2022 đã có khoảng 40 người bị hại trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước bị lừa với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến trên 5 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 06 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi: Người dân cảnh giác với các chiêu thức “lợi nhuận cao”
Nhóm đối tượng giả danh Công ty Shopee thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt đã lên đến 5 tỷ đồng. Ảnh: CAHN

Cảnh giác với lời mời “lợi nhuận cao”

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an, ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống như: Giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước, người lãnh đạo cấp cao để lừa xin việc làm, “chạy chức”, “chạy án”, xin dự án, vay vốn tổ chức, cá nhân nước ngoài; kêu gọi đầu tư, tài trợ vào các công ty, dự án, chương trình; làm giả cổ vật, đá quý, kim loại, làm, sử dụng các loại giấy tờ, tài liệu giả liên quan đến quyền sở hữu tài sản để cầm cố, thế chấp, mua bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tinh vi hơn.

Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ thủ đoạn, như: Tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiển ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân... theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật, làm cho nhà đầu tư thu lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản; đăng thông tin giả mạo và các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”.

Nhóm tuổi nào ở Việt Nam dễ có các hành vi nguy hiểm trực tuyến nhất?
Nghe cuộc điện thoại giả danh công an, người phụ nữ mất trắng 1,2 tỷ đồng
Giả nhân viên ngân hàng chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động