Thứ sáu 24/01/2025 00:42

Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người có công với cách mạng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội tổ chức hội nghị truyền thông về Trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho người có công với cách mạng quận Hai Bà Trưng tại Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Toàn cảnh buổi tuyên truyền.
Toàn cảnh buổi tuyên truyền.

Chia sẻ về hội nghị, Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) Trương Công Đỉnh, Trưởng chi nhánh số 4, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, căn cứ Quyết định số 05/QĐ-STP ngày 09/01/2023 của Sở Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác Trợ giúp pháp lý năm 2023 của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội (Trung tâm). Ngày 23/5, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II Hà Nội tổ chức hội nghị truyền thông về Trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho người có công với cách mạng quận Hai Bà Trưng.

Anh Trương Công Đỉnh cho hay, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công bằng và bình đẳng trước pháp luật. Trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, có người có công với cách mạng, người cao tuổi,…

Người được trợ giúp pháp lý sẽ được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Hình thức trợ giúp pháp lý là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng,… Người được trợ giúp pháp lý cần có hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý, giấy chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý và đến các địa chỉ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội.

Cùng với đó, anh Đỉnh cũng phổ biến pháp luật về Luật Đất đai, Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật thừa kế, Luật Hôn nhân gia đình,… và các vấn đề thường gặp ở mỗi gia đình liên quan đến pháp luật. Đồng thời, anh Đỉnh chia sẻ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng;

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; Mức hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết, vật phẩm phụ và vật dụng khác.

Qua buổi truyền thông, anh Đỉnh mong muốn người có công với cách mạng hiểu được mình thuộc diện được trợ giúp pháp lý và khi có vấn đề liên quan đến pháp lý sẽ đến Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội để yêu cầu cử trợ giúp viên pháp lý tham gia việc hướng dẫn giải đáp, tư vấn pháp luật cũng như tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Trung, GĐ Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II Hà Nội cho biết, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội từ nhiều năm nay và có hàng nghìn lượt người có công được tư vấn pháp lý. Ông Trung nhận thấy đây là kênh hiệu quả nhất để đưa pháp luật vào đời sống.

Bởi lẽ, khi có hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật thì các cụ rất phấn khởi. Nhiều cụ phản hồi, đi điều dưỡng lại được nghe các vấn đề về pháp luật thì hiểu biết ra nhiều và rất thực tế áp dụng trong cuộc sống. Ngoài việc các cụ nắm bắt được tại trung tâm thì khi về địa phương, các cụ sẽ là những tuyên truyền viên tuyên truyền cho bạn, anh em ở khu phố, nơi mình sinh sống nên sẽ nhân rộng, rất ý nghĩa.

“Tôi mong muốn nên duy trì, phát triển, nhân rộng mô hình truyền thông về trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật này. Bởi lẽ, khi các cụ hiểu thì các cụ sẽ yên tâm, không lo lắng và có những hành động đúng đắn về việc chia đất cho các con cũng như thừa kế cho các con”, ông Trung nhấn mạnh.

Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số II Hà Nội thực hiện chức năng nuôi dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn và điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng. Hàng năm, trung tâm được Sở LĐ-TB&XH giao kế hoạch điều dưỡng từ 2-3000 người có công về điều dưỡng. Đợt này, có 90 người có công ở quận Hai Bà Trưng về trung tâm điều dưỡng.
Truyền thông về trợ giúp pháp lý rất bổ ích đối với người cao tuổi
Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho hội viên Hội liên hiệp phụ nữ
Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho phụ nữ
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động