Thứ năm 23/01/2025 06:25

Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong những năm qua việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội quan tâm triển khai đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
Tuyên truyền pháp luật qua mô hình “Phiên tòa giả định” cho học sinh tại Trường Trung học cơ sở Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Bạch Dương
Tuyên truyền pháp luật qua mô hình “Phiên tòa giả định” cho học sinh tại Trường Trung học cơ sở Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Bạch Dương

Vừa qua, tại Hội thảo xây dựng tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn TP Hà Nội do Sở Tư pháp TP Hà Nội phối hợp với Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp tổ chức. Sở GD&ĐT Hà Nội đã đóng góp ý kiến về đánh giá triển khai tuyên truyền PBGDPL tại đơn vị.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP đã có những bước tiến đáng kể, giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và tiếp cận pháp luật:

Các trường học tại Hà Nội đã áp dụng nhiều công cụ CNTT như website, mạng xã hội, ứng dụng học tập trực tuyến để phổ biến kiến thức pháp luật. Các bài giảng, video, tài liệu pháp luật được đăng tải trên các nền tảng học tập, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận thông tin bất cứ lúc nào. Một số trường đã tích hợp các phần mềm giáo dục pháp luật vào chương trình giảng dạy chính thức và tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến về pháp luật.

CNTT giúp tạo môi trường tương tác giữa giáo viên và học sinh tốt hơn qua các diễn đàn thảo luận trực tuyến, làm phong phú hình thức dạy và học về pháp luật. Học sinh có thể tra cứu thông tin pháp luật từ nhiều nguồn chính thống và có thể tham gia các cuộc thi pháp luật trực tuyến do các trường hoặc thành phố tổ chức.

Việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền PBGDPL nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học sinh và phụ huynh. Nhiều học sinh đánh giá cao sự tiện lợi và khả năng cá nhân hóa trong việc học pháp luật thông qua CNTT, giúp các em dễ hiểu và hứng thú hơn với các vấn đề pháp luật.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực việc ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL còn có những khó khăn, thách thức. Mặc dù các trường ở khu vực trung tâm có điều kiện tốt về cơ sở hạ tầng CNTT, nhưng ở một số trường vùng ngoại thành, cơ sở vật chất và hạ tầng mạng còn hạn chế. Điều này khiến việc triển khai các chương trình PBGDPL qua CNTT không đồng đều.

Một số giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ về kỹ năng sử dụng các công cụ CNTT để PBGDPL. Họ chủ yếu dựa vào các phương pháp truyền thống, chưa khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ. Học sinh ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn có thể gặp khó khăn trong việc sử dụng CNTT để tiếp cận thông tin pháp luật do thiếu các thiết bị như máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang triển khai một số mô hình hoạt động có hiệu quả trong công tác PBGDPL. Điển hình như mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hướng tới tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, trong đó giáo dục pháp luật được lồng ghép một cách mềm dẻo và sáng tạo, giúp học sinh nhận thức và tuân thủ pháp luật.

Mô hình “Giáo dục pháp luật thông qua các câu lạc bộ pháp luật”: thành lập các câu lạc bộ pháp luật tại trường, tạo cơ hội cho học sinh tham gia các buổi thảo luận chuyên đề, nghiên cứu các tình huống pháp lý thực tế; mời các chuyên gia pháp luật đến hướng dẫn, trao đổi với học sinh về các chủ đề pháp luật gần gũi như quyền trẻ em, bạo lực học đường, quyền và nghĩa vụ công dân…

Mô hình “Tìm hiểu pháp luật qua các cuộc thi trực tuyến”, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để tăng cường giáo dục pháp luật thông qua các nền tảng trực tuyến, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và học hỏi kiến thức pháp luật mọi lúc, mọi nơi. Tổ chức các cuộc thi trực tuyến như "Tìm hiểu pháp luật" hoặc "Ngày Pháp luật Việt Nam”…

Mô hình “Phiên tòa giả định”, giúp học sinh hiểu sâu hơn về quy trình xét xử, vai trò của các thành phần trong phiên tòa, từ đó nâng cao ý thức pháp luật và trách nhiệm xã hội. Tổ chức các phiên tòa giả định với sự tham gia của học sinh, trong đó các em sẽ đóng vai trò là thẩm phán, luật sư, bị cáo, và các thành phần khác trong phiên tòa.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, qua nghiên cứu dự thảo Kế hoạch của UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL và Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn TP Hà Nội, Sở GD&ĐT thống nhất cao với dự thảo Kế hoạch và dự thảo Tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL.
Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả phổ biến pháp luật
Đổi mới đánh giá hiệu quả công tác phổ biến pháp luật
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động