Thứ năm 23/01/2025 14:00

WB: cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2024 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, mặc dù cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, vẫn còn yếu.
WB: cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế
WB cho rằng, mặc dù cầu quốc tế đang có dấu hiệu phục hồi nhưng nhu cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng, vẫn còn yếu. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh

Theo báo cáo, sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh nhờ xuất khẩu cải thiện trong tháng 5. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 tăng 2,6% so với tháng trước. Mức tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực chế biến chế tạo như máy móc và thiết bị tăng 9,8% so với tháng trước, máy tính và sản phẩm điện tử tăng 2,2% so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, IIP tăng 8,9% so với mức 0,5% vào tháng 5/2023, do xuất khẩu mạnh hơn và hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm ngoái.

Trong tháng 5, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa tăng 6,5% so với tháng trước, chủ yếu nhờ các sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, nhập khẩu trong tháng 5 tăng 9,5%, so với mức giảm -0,6% trong tháng 4.

So với cùng kỳ năm 2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt tốc độ tăng trưởng khá lớn, lần lượt là 15,8% và 29,9% trong tháng 5/2024, một phần do hiệu ứng nền so sánh thấp so với năm 2023.

Tăng trưởng nhập khẩu cao hơn so với tăng trưởng xuất khẩu dẫn đến thặng dư thương mại giảm trong tháng 5, nhưng cũng báo hiệu nhu cầu xuất khẩu tăng.

Cũng theo WB, trong tháng 5/2024, doanh số bán lẻ tăng 1,2% so với tháng trước nhờ doanh số bán lẻ hàng hóa được cải thiện (doanh số bán lẻ tháng 4/2024 là giảm 0,3% so với tháng trước). So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tăng 3,3% trong khi tháng 5/2023 ghi nhận mức tăng 8,1% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

FDI tiếp tục tăng ổn định. Cam kết FDI đạt 11,07 tỷ USD tính đến cuối tháng 5/2023, cao hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân FDI lũy kế cũng đạt 8,3 tỷ USD, cao hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn vốn FDI tiếp tục tập trung các ngành chế biến chế tạo và bất động sản.

Báo cáo cũng chỉ ra, lạm phát toàn phần không thay đổi, lạm phát cơ bản có giảm nhẹ. Mức tăng CPI so cùng kỳ năm ngoái của tháng 5 duy trì ở mức 4,4%, tương đương với tháng 4. Thực phẩm và nhà ở tiếp tục là tác nhân chính gây ra lạm phát CPI. Lạm phát cơ bản trong tháng 5/2024 giảm nhẹ xuống còn 2,8% (so với cùng kỳ năm trước) từ mức 2,7% của tháng 4.

Tỷ giá thị trường VNĐ/USD tăng 8% so với cùng kỳ tính đến cuối tháng 5/2024. Lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ lên 4,3% trong tháng 5, so với mức 4% trong tháng 4, phản ánh chính sách thắt chặt thanh khoản của NHNN.

Thu ngân sách tăng lên trong tháng 5, đạt 898,4 nghìn tỷ đồng (52,8% dự toán) và lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi tiêu công chậm lại và đạt khoảng 656,7 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2024, bằng 31% dự toán, chỉ cao hơn 0,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải ngân đầu tư công ước đạt 148,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,3% dự toán được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá tiếp tục chịu áp lực. Lãi suất bình quân liên ngân hàng qua đêm duy trì ở mức cao trong tháng 5/2024, phản ánh chính sách tiếp tục thắt chặt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước.

Phải có những giải pháp liên quan đến các ngành hỗ trợ

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, TS. Dorsati Madani cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp. Từ đầu năm 2024 đến nay, sự phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng chậm năm 2023, với hoạt động sản xuất bắt đầu được cải thiện nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn vốn FDI ổn định. Tuy nhiên, cả đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn đang tụt hậu so với mức trung bình trước khi có bão dịch.

Theo WB, Chính phủ đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước, tuy nhiên trước bối cảnh đồng USD mạnh, việc giảm lãi suất để hỗ trợ đầu tư có thể làm tăng áp lực lên tỷ giá, do vậy WB khuyến nghị cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu thông qua chi đầu tư.

Trên thực tế, để hỗ trợ tổng cầu nhằm kích thích tăng trưởng Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, Chính phủ vừa đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đến hết năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách này sẽ giảm bớt phần nào chi phí sinh hoạt trong mua sắm các mặt hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kích cầu giảm giá trong khi người tiêu dùng không có nhu cầu mua sắm cũng không thể thúc đẩy tăng trưởng. Bởi lẽ lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 5 tháng qua dù chỉ tăng 7,4% nhưng lại chiếm tỷ trọng cao nhất.

Do đó, bên cạnh việc giảm thuế VAT và khuyến mãi trực tiếp cho hàng hóa, dịch vụ, đại diện các doanh nghiệp cho rằng phải có những giải pháp liên quan đến các ngành hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp kích thích các ngành công nghiệp phục vụ cho lĩnh vực phân phối và dịch vụ như logistics, hạ tầng, công nghệ... để tạo đà thúc đẩy cho lĩnh vực bán lẻ...

Ngoài ra, để thúc đẩy tổng cầu, cần tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, cần đặt đúng khu vực tư nhân là động lực quan trọng như tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ tiếp cận các nguốn lức như đất đai, tín dụng, giảm thiểu tối đa thuế, các loại phí…

Để kích cầu tiêu dùng, cần gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo; nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng góp phần tăng tổng cầu...

Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thúc đẩy sự lạc quan, tuy nhiên các rào cản pháp lý vẫn tồn tại
Giảm thuế giá trị gia tăng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay
Phục hồi tổng cầu để tăng trưởng kinh tế 2024
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động