Thứ sáu 24/01/2025 00:37

Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính giáo dục, răn đe

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...
Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính giáo dục, răn đe . Tranh minh họa:
Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính giáo dục, răn đe. Tranh minh họa: Hội LHPN Việt Nam

Bạo lực gia đình hiện nay là vấn nạn của toàn xã hội, có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào mà không có sự phân biệt về vùng miền, thu nhập, địa vị xã hội hay tuổi tác. Hậu quả mà bạo lực gia đình gây ra cũng hết sức nặng nề, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em.

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề này như Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em… Đặc biệt Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là công cụ pháp lý hữu hiệu để xử lý những chủ thể có hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân nhằm duy trì sự ổn định, bền vững của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Các hành vi bạo lực gia đình theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007

Bạo lực được hiểu là “dùng sức mạnh để cưỡng bức, trấn áp hoặc lật đổ” nhưng trong thực tế, bạo lực còn được coi như một phương thức hành xử trong các quan hệ xã hội nói chung, có trường hợp bạo lực nhìn thấy nhưng cũng có trường hợp không nhìn thấy được. Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.

Xét về hình thức, có thể chia bạo lực gia đình thành ba nhóm gồm: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế. Bạo lực gia đình là một trong những hành vi rất cần phải lên án bởi bản thân mỗi người đều có quyền tự do, bình đẳng, được pháp luật bảo vệ những lợi ích chính đáng. Gia đình là nơi con người được sinh ra, được chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương nhưng lại xảy ra bạo lực thì sẽ rất khó có thể duy trì trật tự trong xã hội. Tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người luôn được đề cao và là đối tượng được pháp luật bảo vệ.

Các hành vi bạo lực gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 gồm:

Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng. Đây là hành vi có sử dụng vũ lực, thậm chí có sử dụng công cụ, phương tiện hỗ trợ để đánh đập, ngược đãi thành viên trong gia đình. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người khác. Đây được coi là dạng hành vi phổ biến nhất của bạo lực gia đình, phần lớn người thực hiện hành vi này là nam giới.

Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Đây là việc có những lời lẽ thô tục, khiếm nhã nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, hoặc có thể bịa đặt, loan tin xấu về thành viên trong gia đình với người khác khiến họ cảm thấy xấu hổ, bị tổn thương.

Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng, tức là có hành vi hắt hủi, xa lánh, không chấp nhận sự quan tâm của thành viên trong gia đình.

Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau, có nghĩa là không để cho các thành viên trong gia đình được quan tâm, chăm sóc lẫn nhau như không cho nhận tiền, thức ăn hay những sự hỗ trợ về mặt vật chất, tinh thần khác.

Cưỡng ép quan hệ tình dục: khi một trong hai bên không muốn quan hệ tình dục nhưng bị ép buộc phải quan hệ.

Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ: cha mẹ, ông bà bắt con cháu kết hôn khi chưa đến tuổi, ép buộc ly hôn hoặc có hành vi ngăn cản con cháu tự nguyện kết hôn với người mà họ cho là không phù hợp.

Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình: cố tình lấy tài sản hợp pháp của thành viên khác và coi đó là tài sản của mình hoặc có hành vi đốt, bỏ, đập phá dẫn đến làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác hoặc của chung cả gia đình.

Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính: bắt thành viên trong gia đình phải làm công việc nặng nhọc, làm việc trong thời gian dài không được nghỉ ngơi, vượt quá khả năng của họ hoặc bắt đóng góp tài chính vượt quá thu nhập cũng như khả năng của họ; hoặc thu giữ toàn bộ tài chính, không cho thành viên trong gia đình được chi dùng cá nhân cũng như các khoản chi khác dẫn đến phải lệ thuộc hoàn toàn về mặt tài chính.

Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở: có thể là đuổi thành viên ra khỏi nhà trong khi bản thân họ là người sở hữu hợp pháp ngôi nhà, là người có quyền sử dụng ngôi nhà đó…

Biện pháp ngăn ngừa bạo lực gia đình và việc xử lý chủ thể có hành vi bạo lực gia đình

Để ngăn ngừa bạo lực gia đình xảy ra và để lại những hậu quả đáng tiếc, pháp luật Việt Nam có những chính sách để phòng, chống bạo lực gia đình như: Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, tài trợ cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức, hỗ trợ việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình mà có thành tích thì được khen thưởng, nếu bị thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

Pháp luật Việt Nam có những chính sách, tôn trọng chủ quyền, phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế với những nội dung hết sức cụ thể như: xây dựng và thực hiện chương trình, dự án, hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia tổ chức quốc tế; ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình; trao đổi thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua đó, công tác phòng chống bạo lực gia đình được đẩy mạnh và đạt hiệu quả.

Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 cũng có những quy định rất cụ thể về việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính giáo dục, răn đe (Điều 42 và 43). Theo đó, người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam
Nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm người lao động bằng bất cứ hình thức nào
Bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng giữa nam - nữ
Phú An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động